Khi các điều luật thiếu tính thực tiễn

VTV.vn – Việc nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành luật là vấn đề chính được bàn luận trong Đối thoại chính sách phát sóng ngày 8/4/2015.

Những ngày gần đây, báo chí và dư luận đặc biệt quan tâm tới sự việc hàng nghìn công nhân ở TP. Hồ Chí Minh đồng loạt ngừng làm việc, tụ tập, phản ứng Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2016. Theo đó, luật này quy định không cho người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần như luật hiện hành.

Để tránh tình trạng căng thẳng có thể kéo dài, đáp ứng nguyện vọng của người lao động, trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thống nhất đánh giá luật bảo hiểm xã hội mới là một bước tiến nhằm lo cho người lao động ổn định lâu dài. Tuy nhiên, khi chuẩn bị lấy ý kiến để triển khai hướng dẫn, điều luật này gặp phải sự không đồng thuận của người lao động. Vì vậy, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng người lao động vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, một đạo luật được kiến nghị sửa đổi khi chưa có hiệu lực thi hành.

Ngay sau đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa được Quốc hội thông qua cũng bị kiến nghị sửa đổi vì có nhiều quy định bất cập, không phù hợp. Trên thực tế, có nhiều quy định trong một số văn bản có hiệu lực thi hành chưa lâu đã nảy sinh nhiều vấn đề vì không thích ứng được với cuộc sống. Làm thế nào để nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành luật, khiến luật có thể đi vào cuộc sống với tính khả thi cao, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người dân là vấn đề đang được cử tri và người dân cả nước rất quan tâm hiện nay, đặc biệt sau khi có kiến nghị sửa đổi các luật chưa có hiệu lực thi hành như Luật Bảo hiểm xã hội hay Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Đối thoại chính sách đã mời tới trường quay ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Comments are closed.