(Dân trí) – “Xấu hổ”có thể là tâm trạng của không ít đại biểu tại Kỳ họp Quốc hội lần này. Lý do là bởi tại phiên họp trước, cũng chính các đại biểu có mặt tại nghị trường hôm nay đã bỏ phiếu thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội. Thế nhưng oái oăm thay, khi quyết định ban hành chưa kịp có hiệu lực đã gặp phải sự phản đối của nhiều người lao động.
Trước những bức xúc chính đáng của họ, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 của Luật này.
Vì vậy, việc có đại biểu “xấu hổ” cũng là đương nhiên.
Không “xấu hổ” sao được khi Quốc hội là nơi tập trung trí tuệ, tập hợp những cá nhân ưu tú nhất mà lại ấn nút để ban hành một văn bản chưa thi hành đã bị đề nghị sửa chữa?!
Có lẽ nhìn ở góc độ nào đó, việc ban hành văn bản này cũng không khác mấy so với qui định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về chỉ được bán thịt sau khi giết mổ 8 giờ chẳng hạn.
Nếu có khác, chỉ là khác về “tầm cỡ” của văn bản, tức là một cái là “luật” do Quốc hội ban hành còn một cái là qui định, quyết định của một bộ, ngành.
Vì thế, có thể thấu hiểu nỗi “xấu hổ” đến chua xót của Đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) khi bà Dung tâm sự: “Khi công nhân phản ứng về điều luật này, bản thân tôi là một đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua điều luật cũng cảm thấy có lỗi và xấu hổ. Bên cạnh việc sửa đổi thì Quốc hội cũng cần có một lời xin lỗi với người dân để thể hiện sự cầu thị, thực tâm trong việc sửa đổi, chứ không phải chỉ sửa là xong”.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân không chỉ thấy “xấu hổ” mà còn mang nặng nỗi buồn và trách nhiệm: “Làm luật như vậy tôi thấy buồn, với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi xấu hổ, thấy mình có phần trách nhiệm trong việc ấn nút thông qua một điều luật chưa có hiệu lực đã bị cử tri phản ứng”.
Song, ở đây còn có một điều đáng phải suy nghĩ, đó là trách nhiệm với lá phiếu của mỗi Đại biểu Quốc hội cần được minh bạch.
Với cách bỏ phiếu qua bấm nút điện tử hiện nay, trên bảng chỉ hiện lên những con số “vô hồn” như số người tham gia biểu quyết, số người đồng tình, số người phản đối, tỉ lệ… mà không biết rõ ai đồng tình, ai phản đối, ai bỏ phiếu trắng.
Xin hỏi cụ thể, tại phiên biểu quyết lần trước, ngoài ĐB Dung và ĐB Ngân, còn có những ai biểu quyết đồng ý với Luật này?
Cách đây 5 năm (10/2010), tại phiên họp bàn về Luật Tổ chức Quốc hội, ĐB Dương Trung Quốc đã đề nghị công khai danh tính của đại biểu khi bỏ phiếu. Lý do ông Quốc đưa ra qua bài phỏng vấn trên báo Người Lao động là bởi “hiện chúng ta mới quan tâm tới trách nhiệm của đại biểu trong nhiệm kỳ mà quên rằng có những quyết định quan trọng thì đại biểu còn phải chịu trách nhiệm với nhân dân và lịch sử. Khi quyết định về mực nước thủy điện Sơn La, tôi đã đề nghị đại biểu ký tên vào văn bản để sau này lịch sử phán xét, nếu mang lại lợi ích cho nước và dân thì anh sẽ được tôn vinh…”.
Đây là một đề xuất rất đáng suy nghĩ bởi mỗi đại biểu khi biểu quyết không chỉ là trách nhiệm trong nhiệm kỳ mà còn phải đối diện với nhân dân và lịch sử. Để mai sau trong mỗi sự kiện, con cháu ta biết rằng ngày này, tháng này, đại biểu này đã bấm nút đồng ý và đại biểu kia đã phản đối.
Đối mặt với lịch sử cũng là một thách thức của mỗi đại biểu Quốc hội khi quyết định một vấn đề nào đó bởi “nếu mang lại lợi ích cho nước và dân thì anh sẽ được tôn vinh” như lời ĐB Quốc thì chắc chắn phải có vế ngược lại…
Giờ đây, việc có sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội hay không đang nằm trên bàn Quốc hội. Mình nghĩ, khi đã có ý kiến phản ánh của cử tri, có đề xuất từ Chính phủ, Quốc hội sẽ xem xét thấu đáo, nếu chưa đúng sẽ nhanh chóng sửa, không vì lý do này hay lý do khác mà làm điều ngược lại.
Cũng kiến nghị những nhà biên soạn luật trình cần nghiên cứu thấu đáo trước khi trình Quốc hội, đừng để thêm một lần “xấu hổ” như hai đại biểu trên đã tâm sự và nếu như phải sửa đổi Luật này, có lẽ Quốc hội nên “có một lời xin lỗi” như đề xuất của Đại biểu Võ Thị Dung.
Bùi Hoàng Tám
(Nguồn : http://dantri.com.vn/blog/khi-dai-bieu-quoc-hoi-phai-thot-len-hai-tu-xau-ho-1076600.htm)