Từ nay tới 2020, Chính phủ yêu cầu tổ chức thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng, giám đốc sở trở xuống; cải cách chế độ tiền lương để đảm bảo được cuộc sống công chức và gia đình ở mức trung bình khá.
Theo nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trọng tâm 10 năm tới là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới sẽ hoàn thiện quy định về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực của công chức, viên chức trúng tuyển; thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh; thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống.
Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên cho cải cách chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản; bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội.
Về cải cách thủ tục hành chính, mục tiêu là cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Từ nay tới 2015, môi trường kinh doanh phải được cải cách, giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Những lĩnh vực trọng tâm cần tập trung gồm đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở; thuế; hải quan; xuất khẩu, nhập khẩu; y tế; giáo dục; lao động; bảo hiểm; khoa học, công nghệ và một số lĩnh vực do Thủ tướng quyết định theo yêu cầu cải cách trong từng giai đoạn.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, mục tiêu tới 2020 là 80% cá nhân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.Theo đó, quá trình cải cách sẽ tiến hành tổng rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế hiện có của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức khác thuộc bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước).
Trên cơ sở đó các cơ quan, đơn vị phải được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, sắp xếp lại nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp; chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận.
Chính phủ cũng yêu cầu đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tập trung tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020.
Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế cũng phải cải cách và triển khai trên diện rộng; bảo đảm sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực này đạt trên 80% vào năm 2020.
Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước đổi mới theo hướng tiến tới xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động.
Nguyễn Hưng
(Nguồn : vnexpress)