(napa.vn) – Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022, sáng ngày 23/8/2022, tại Hà Nội, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội trang trọng tổ chức Tọa đàm khoa học “Chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay”.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội chủ trì Tọa đàm.
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có: ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban, Ban Chính sách pháp luật – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quan hệ Lao động, Ủy viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Học viện và tập thể giảng viên, viên chức, học viên nghiên cứu sinh Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống người lao động, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm đó là: “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam..”.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Lao động tự do, hộ kinh doanh, người nhập cư, người dân tộc thiểu số chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19 nặng nề hơn so với các nhóm đối tượng khác, vì thế thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong tháo gỡ điểm nghẽn để nguồn lực hỗ trợ tìm đến được đúng các địa chỉ chịu tổn thương nhất từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn hướng đến đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, có ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân, công bằng xã hội.
Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, mà hiệu quả và vai trò của chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của nhà nước tới các đối tượng chính sách vẫn chưa đạt được những thành tựu đáng mong đợi, các hình thức trợ giúp xã hội nhiều nơi chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, quá trình thực hiện còn nhiều thiếu sót nên tạo ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hướng tới việc đảm bảo quyền của nhóm yếu thế.
Trong bối cảnh đó, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội tổ chức Tọa đàm khoa học “Chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay” nhằm trao đổi thảo luận về thực trạng thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những khó khăn bất cập trong thực hiện chính sách và những giải pháp phù hợp để tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trong và sau đại dịch COVID-19.
Để Tọa đàm diễn ra thành công, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận các nội dung sau:
- Nội dung và quy trình triển khai chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 Ở Việt Nam;
- Thực trạng triển khai các chính sách sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Việt Nam;
- Những kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Việt Nam;
- Một số nội dung liên quan.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc và gợi mở.
TS. Tạ Thị Hương trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Tham luận tại Tọa đàm, TS. Tạ Thị Hương, Phó Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội chia sẻ vấn đề “Các chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Việt Nam”.
TS. Tạ Thị Hương cho biết, theo Thông cáo báo chí của ILO ngày 19/3/2020 và 29/4/2020, khủng hoảng kinh tế và lao động do COVID-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt “đại dịch này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và hàng trăm triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới”. Vấn đề lao động – việc làm đã và đang trở lên nghiêm trọng dù các quốc gia đã cố gắng để vừa phòng chống dịch, giảm thiểu tử vong, vừa thực hiện các mục tiêu kinh tế, an sinh xã hội. Khoảng 71% số người bị mất việc (tương đương 81 triệu người) quyết định rời bỏ thị trường lao động thay vì đi tìm công việc khác và trở thành người thất nghiệp. Những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3%, tương đương với 3,7 nghìn tỷ đô la Mỹ hay 4,4% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Tại Việt Nam, tính đến Quý II/2021, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,60%; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 2,62%.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban các chính sách, giải pháp nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh và từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động. Các chính sách được đưa ra tập trung vào: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; Hỗ trợ tiền ăn; Hỗ trợ một lần; Hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Ông Lê Đình Quảng phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban, Ban Chính sách pháp luật – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ “Một vài đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19”. Ông Lê Đình Quảng đề cập đến một số chính sách cơ bản liên quan đến việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh xã.
Về Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Lê Đình Quảng cho rằng, quy mô hỗ trợ còn nhỏ, mức hỗ trợ còn thấp, các gói hỗ trợ năm 2020 – 2021 chỉ xấp xỉ 1% RDP (các nước láng giềng khoảng 4-5% RDP); yêu cầu thủ tục còn phức tạp, điều kiện hỗ trợ còn chặt chẽ, khó khăn trong việc tiếp cận chính sách, tỷ lệ giải ngân thấp, hiệu quả không cao, chưa giải quyết được khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp.
Về Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, theo ông Lê Đình Quảng, đây là chính sách hỗ trợ trên diện rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; việc thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ theo quy định; việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động được thực hiện nhanh chóng, kịp thời do dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành Bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa hoàn thành, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định trong Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, làm ảnh hưởng đến tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ cho người lao động ở thời điểm khó khăn; công tác theo dõi, quản lý danh sách, cơ sở dữ liệu, công tác dự báo và cung cấp số liệu để xây dựng chính sách còn nhiều bất cập.
Bên cạnh hai bài tham luận trình bày trực tiếp tại Tọa đàm, Tọa đàm đã nhận được hơn 20 bài viết tập trung vào từng chính sách hỗ trợ cụ thể và các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách trong thời gian tới. Đồng thời, tại buổi Tọa đàm, các giảng viên, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi, giải đáp nhiều nội dung liên quan, như: Giải pháp tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động sau đại dịch Covid-19; Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà cho người lao động sau đại dịch và một số vấn đề đặt ra; Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Việt Nam…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh chân thành cảm ơn những đóng góp, những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu của các đại biểu, các nhà khoa học đã phát biểu tại Tọa đàm. Những chia sẻ, những kinh nghiệm của các nhà khoa học là bài học quý để giảng viên của Khoa cập nhật những vấn đề thực tiễn, làm sâu sắc hơn cho những bài giảng… góp phần tác động vào nhận thức, làm thay đổi chính sách. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp trong thời gian tới của các nhà khoa học dành cho Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội./.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Vũ Thị Minh Ngọc, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Đặng Thị Minh, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội phát biểu tại Tọa đàm.
NCS. Nguyễn Kim Tú, Nghiên cứu sinh Khóa 16 phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Lê Thị Thanh Hà, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội phát biểu tại Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Như Ngọc