Ảnh minh họa |
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của hoạt động xếp hạng tín nhiệm là nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Hoạt động xếp hạng tín nhiệm giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin đánh giá về khả năng tài chính, khả năng thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ của tổ chức phát hành các công cụ tài chính trên thị trường chứng khoán.
Tính đến tháng 10/2014, thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 700 cổ phiếu niêm yết, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán khoảng 1.191 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 33,23% GDP. Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nào được cấp phép hoạt động và được các thành viên thị trường sử dụng dịch vụ.
Theo Bộ Tài chính, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay còn nhỏ và đang trong giai đoạn đầu phát triển. Sự ra đời của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trước mắt chủ yếu phục vụ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Vì vây, quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nước phải xác định rõ số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán, tránh việc phát triển tràn lan, không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước sẽ dẫn đến không đảm bảo chất lượng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đề xuất mục tiêu đến năm 2025, xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 3 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm; đến năm 2030, tối đa 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Phấn đấu đến năm 2025, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều phải được xếp hạng tín nhiệm.
Dự thảo nêu rõ, Nhà nước quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm theo quy định tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.