Chiều ngày 18/8, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ Nội vụ (Ban Chỉ đạo).
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Dự phiên họp có Thứ trưởng Trương Hải Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.
Tại Phiên họp, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo đã Báo cáo tóm tắt công tác Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ trong 7 tháng đầu năm 2022, phương hướng nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2022. Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo chuyên đề về triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ; Chuyển đổi số để đổi mới việc báo cáo giao ban Bộ và Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Nguyễn Xuân Tự, Ủy viên Ban Chỉ đạo báo cáo về triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Thứ trưởng Trương Hải Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phát biểu tại Phiên họp
Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình trình bày Báo cáo tại Phiên họp
Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh báo cáo chuyên đề về triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ; Chuyển đổi số để đổi mới việc báo cáo giao ban Bộ
Tại Phiên họp, sau khi nghe các Báo cáo, các thành viên Ban Chỉ đạo và đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Báo cáo. Nhìn chung, các ý kiến góp ý tập trung vào một số nội dung: nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số; vấn đề gửi nhận văn bản điện tử; tính liên thông, kết nối giữa các phần mềm tại Bộ; tiến độ triển khai thực hiện các dự án mà Bộ được giao; kinh phí phục vụ cho chuyển đổi số của Bộ; sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện các dự án, đề án; số hóa hồ sơ, dữ liệu để xử lý toàn bộ thủ tục hành chính trên môi trường mạng; đổi mới báo cáo giao ban Bộ;…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, tuy nhiên, quá trình thực hiện công việc vẫn được triển khai tích cực ngay từ đầu năm. Bộ trưởng đánh giá, từ năm 2021 đến nay, hoạt động chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đã nhận được những kết quả tích cực và có những ưu điểm như: (1) Nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác chuyển đổi số của Bộ đã được nâng lên một bước và thể hiện rõ nét qua việc tham mưu, quán triệt, quá trình tổ chức thực hiện. (2) Công tác tham mưu để thực hiện công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đã có nhiều cố gắng và tích cực, đến nay, nhiều văn bản quan trọng mang tính chỉ đạo, định hướng cho công tác chuyển đổi số hằng năm, 5 năm và định hướng đến năm 2030 được thể hiện khá rõ; cụ thể: Bộ trưởng đánh giá cao công tác tham mưu của Trung tâm Thông tin cho Ban Cán sự đảng Bộ ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ đã thể hiện cụ thể, rõ nét định hướng, sự quyết tâm lớn của Ban Cán sự đảng Bộ, của Bộ trưởng trong công tác chuyển đổi số của Bộ Nội vụ; kế hoạch hằng năm, kế hoạch thực hiện 5 năm tới đã được xây dựng cụ thể, việc đề xuất ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo … (3) Kết quả về chuyển đổi số bước đầu đã có tiến bộ: cơ bản 100% cán bộ, công chức, viên chức được cung cấp chữ ký số trên môi trường điện tử; các dịch vụ công trực tuyến của Bộ tuy không nhiều nhưng nhìn chung đã thực hiện khá tích cực; xếp hạng về chuyển đổi số năm 2021 Bộ Nội vụ chưa đạt thứ hạng cao, đang ở mức giữa của các Bộ nhưng cũng là nỗ lực, cố gắng chung của cả Bộ; trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc đã có thay đổi và chuyển biến rõ nét.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế, như: (1) Nhận thức về chuyển đổi số có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều, cơ bản còn hạn chế, bất cập, còn lúng túng, chưa hiểu hết được tầm quan trọng và sự cần thiết của chuyển đổi số, cho nên sự thay đổi không nhanh về phương thức, cách thức và đặc biệt là do sự hạn chế về mặt kiến thức. (2) Trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện có những mặt còn chưa sát với yêu cầu chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ. (3) Kết quả đạt được về chuyển đổi số của Bộ trong thời gian qua nhìn chung vẫn còn thấp, như: phạm vi của chuyển đổi số rất rộng, an toàn an ninh mạng, số hóa, dữ liệu số, công nghệ số, đổi mới sáng tạo vẫn chậm chạp, chưa thấy được sự thay đổi hoàn toàn về phương thức làm việc và tư duy hành động. (4) Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số vừa thiếu vừa yếu. (5) Cơ chế kiểm tra, giám sát để triển khai thực hiện chuyển đổi số chưa được chú trọng một cách chặt chẽ và đáp ứng được yêu cầu đề ra. (6) Công tác phối hợp trong thực hiện chuyển đổi số trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ còn chưa tốt.
Toàn cảnh Phiên họp
Về nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2022, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ bám sát mục tiêu tại Quyết định số 549/QĐ-BCĐCPĐTCĐS ngày 11/7/2022 của Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT,CĐS của Bộ Nội vụ về Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT,CĐS của Bộ Nội vụ năm 2022, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số và thực hiện được đúng phương thức để đảm bảo an toàn, an ninh mạng cũng như thay đổi được nhận thức về chuyển đổi số.
Thứ hai, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức và có thẻ công chức, viên chức điện tử.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, giao Giám đốc Trung tâm Thông tin khẩn trương tham mưu đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ công tác của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng nhấn mạnh, thành viên Ban Chỉ đạo là thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, qua đó gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ để triển khai các nhiệm vụ, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm nhằm thay đổi phương thức, lề lối, tư duy làm việc.
Tổ công tác, cần được tổ chức tinh gọn, lựa chọn những người thực sự có trách nhiệm, có khả năng tham mưu giúp việc chuyển đổi số tại các đơn vị. Giao 01 đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin làm Tổ trưởng Tổ công tác, Văn phòng Bộ, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ mỗi đơn vị lựa chọn 01 người có kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số để cử tham gia vào Tổ công tác. Giao Ban Chỉ đạo thiết kế, phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng thành viên để trình ký ban hành vào ngày 25/8/2022.
Thứ hai, xây dựng Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong 05 tháng cuối năm 2022 trên cơ sở nội dung của Phiên họp này, xác định rõ nhiệm vụ chung cần phải làm và những nhiệm vụ cụ thể mà các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ cần thực hiện trong những tháng cuối năm gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các đơn vị. Các đơn vị cần bám sát vào những nhiệm vụ được phân công cụ thể, nhiệm vụ này sẽ được đưa vào nhiệm vụ được giao bổ sung của năm 2022. Đồng thời, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ được báo cáo vào cuối năm và làm tiêu chí để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với đơn vị và người đứng đầu của đơn vị. Giao Tổ công tác và trực tiếp là Giám đốc Trung tâm Thông tin sẽ tham mưu, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này và hoàn thành vào ngày 29/8/2022.
Bộ trưởng mong muốn, trên cơ sở chủ trương chung, tinh thần về chuyển đổi số cần thể chế hóa cho bằng được chuyển đổi số của Bộ Nội vụ một cách rõ nét, toàn diện theo công thức 6+: “Công nghệ thông tin + Số hóa + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số + An toàn thông tin”.
Thứ ba, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số làm sao đảm bảo hoàn thành 100% các chỉ tiêu nêu trên; xây dựng cuốn “Cẩm nang về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ”. Mục đích của cuốn cẩm nang là cung cấp những hiểu biết cơ bản về chuyển đổi số, những yêu cầu của chuyển đổi số, các vấn đề cụ thể về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong chuyển đổi số của Bộ Nội vụ. Cuốn cẩm nang sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ tự học, tự đọc nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về chuyển đổi số của Bộ.
Bộ trưởng giao Chánh Văn phòng Bộ tham mưu thành lập Tổ giúp việc xây dựng cẩm nang nêu trên. Tổ này gồm: Chánh Văn phòng Bộ, Giám đốc Trung tâm Thông tin và một số thành viên.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gợi mở cho Ban Chỉ đạo phát động phong trào thi đua nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, giao Công đoàn Bộ chủ trì tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số của Bộ Nội vụ trong đội ngũ công chức, viên chức; khuyến khích đoàn viên công đoàn có những bài thu hoạch, những góp ý, hiến kế cho Bộ Nội vụ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về chuyển đổi số của Bộ, của các đơn vị trong thời gian tới.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản của Bộ về chuyển đổi số. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin là đơn vị tham mưu, rà soát lại toàn bộ các quy định đã có để đánh giá xem cần thiết phải bổ sung những văn bản, quy định nào cho phù hợp.
Ba là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về chuyển đổi số của Bộ hiện có. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ để nắm bắt, theo dõi tình hình triển khai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ nhằm đảm bảo chất lượng và yêu cầu đề ra.
Khẩn trương hoàn thành dự án Dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Trương Hải Long trực tiếp chỉ đạo để hoàn thành vào cuối tháng 11/2022. Các dự án còn lại thực hiện theo tiến độ đã cam kết.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, khi thực hiện các dự án này yêu cầu các đơn vị tư vấn phải đảm bảo được sự tích hợp và thống nhất, đồng bộ liên thông giữa các hệ thống; đồng thời, nghiên cứu, khảo sát kỹ để đảm bảo tính liên thông với các đơn vị thuộc, trực thuộc. Sự đồng bộ, liên thông này phải đảm bảo thống nhất một đầu mối vận hành, tiết kiệm kinh phí, vừa đảm bảo được tính đồng bộ và khả năng nâng cấp. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án cần lưu ý làm đến đâu chắc chắn đến đó và tận dụng, tranh thủ tối đa các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn chức năng có chuyên ngành sâu về vấn đề này để tư vấn, giúp cho Bộ Nội vụ có thể điều chỉnh, bổ sung một cách kịp thời.
Tham mưu ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên một số lĩnh vực của Bộ đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước, như: cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá về cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng; quản lý hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; quỹ, hội; tổ chức – biên chế; tín ngưỡng, tôn giáo; địa phương.
Bộ trưởng đề nghị xây dựng một Bộ chỉ số chuẩn để đánh giá công tác chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Chỉ số này cần bám vào các căn cứ, tiêu chuẩn cụ thể và phù hợp với đặc thù của Bộ để đánh giá. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin tham mưu, lấy ý kiến góp ý các đơn vị và hoàn thành trong tháng 9/2022 để triển khai đánh giá về chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ năm 2022. Trên cơ sở Bộ chỉ số được ban hành, các đơn vị căn cứ tự đánh giá về mức độ chuyển đổi số tại đơn vị mình, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chấm điểm để đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng. Bộ trưởng giao đến hết Quý I/2023 hoàn thành việc đánh giá chuyển đổi số năm 2022 của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện về hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và các điều kiện ngân sách kèm theo để đề xuất, kiến nghị kịp thời. Đồng thời, từ nay đến hết năm 2022, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng làm Trưởng đoàn. Về nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin tham mưu lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện.
Về hạ tầng số, giao Trung tâm Thông tin tham mưu trình Bộ trưởng về quy hoạch của Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Nội vụ đáp ứng thúc đẩy chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Về nguồn nhân lực chuyển đổi số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gợi mở nghiên cứu thực hiện theo hai nguồn. Nguồn thứ nhất, tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP để bổ sung số viên chức vào Trung tâm Thông tin. Nguồn thứ hai, tổ chức tuyển chọn những người có trình độ về công nghệ thông tin từ các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị khác đáp ứng được yêu cầu về vị trí việc làm để về làm việc tại Bộ Nội vụ.
Giao Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ và lên phương án tổ chức đưa đến các cơ sở đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số để đào tạo nâng cao. Vụ Tổ chức cán bộ yêu cầu các đơn vị lựa chọn công chức, viên chức tiêu biểu, ưu tú để đi đào tạo thêm chuyên sâu về chuyển đổi số trong một thời gian nhất định. Nhiệm vụ này được triển khai chậm nhất bắt đầu từ tháng 11/2022.
Bộ trưởng yêu cầu, mỗi một đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ thành lập Tổ chuyển đổi số với số lượng tối thiểu là 03 người và tối đa là 05 người (đối với các đơn vị có từ 30 người trở lên). Tổ chuyển đổi số này sẽ được tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng chuyển đổi số để phục vụ thực hiện nhiệm vụ.
Giao Vụ Kế hoạch – Tài chính khẩn trương tham mưu để đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động của chuyển đổi số, như: thuê hạ tầng, dự án chuyển tiếp, đặt hàng các dịch vụ thiết yếu, cần thiết cho đào tạo, tập huấn,….; Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Vụ Tiền lương nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù cho nhân lực trực tiếp về chuyển đổi số và an toàn an ninh mạng.
Theo moha.gov.vn