Đây là nội dung được nhấn mạnh trong nhiệm vụ về chuyển đổi nâng cao nhận thức được đặt ra trong Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức , đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội đất nước ta, trong đó có Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.
Thời gian qua, Ban cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ đặc biệt đồng chí Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Qua đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Nội vụ bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực; môi trường pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin dần được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ. Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ Nội vụ đưa vào khai thác và liên thông với hệ thống quản lý văn bản của Chính phủ; giải pháp chữ ký số được triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt; triển khai hệ thống giao ban trực tuyến và hội nghị truyền hình là một trong những giải pháp hữu hiệu từng bước xây dựng Chính phủ điện tử và nền hành chính hiện đại; hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Nội vụ được kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, thường xuyên theo quy định của Nhà nước; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ được triển khai và có hiệu quả nhất định như: cơ sở dữ liệu hội và tổ chức phi chính phủ, cơ sở dữ liệu Thi đua – Khen thưởng, cơ sở dữ liệu thanh niên, cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ, phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, hệ thống thông tin điều tra cơ sở hành chính của Bộ Nội vụ…
Tuy nhiên, trong bối cảnh Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Nội vụ còn chưa theo kịp với yêu cầu: nhận thức của cấp ủy và từng đảng viên, công chức, viên chức Bộ Nội vụ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa bắt kịp với quá trình Chuyển đổi số; chưa bổ sung, cập nhật, rà soát các văn bản hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân, về an ninh mạng, an toàn thông tin; quy trình thủ tục hành chính gắn với Chuyển đổi số còn chưa được chỉnh sửa kịp thời; việc triển khai các nền tảng ứng dụng, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành Nội vụ, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ số còn chậm so với yêu cầu đặt ra; các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối, chia sẻ phục vụ đông đảo người dùng, chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin; tỷ lệ phát sinh dịch vụ công mức độ 3, 4 của Bộ Nội vụ ở mức thấp. Do đó, việc Chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số của Bộ Nội vụ còn hạn chế, có nội dung còn mang tính hình thức.
Xuất phát từ tầm quan trọng, sự cần thiết, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ về Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ, Ban Cán sự đảng Bộ chỉ đạo, việc thực hiện chuyển đổi số của Bộ Nội vụ cần bám sát nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Chuyển đổi số. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng cùng cấp để thực hiện tốt 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, chuyển đổi nâng cao nhận thức. Chỉ đạo, định hướng ác nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên để thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho Chuyển đổi số.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, từng đảng viên và toàn bộ công chức, viên chức, người lao động tại Bộ Nội vụ về sự cần thiết của Chuyển đổi số, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các sáng kiến, giải pháp và các gương sáng điển hình trong Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.
Người đứng đầu cấp ủy trực thuộc chịu trách nhiệm trực tiếp về Chuyển đổi số trong đơn vị, tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đơn vị mình, lấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị.
Thứ hai, hoàn thiện môi trường pháp lý. Tổ chức triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ Nội vụ.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hành chính để tạo thuận lợi cho quá trình Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ nói chung và trong công tác Đảng nói riêng.
Thứ ba, phát triển hạ tầng số, nền tảng số. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin hoặc thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác Chuyển đổi số, sử dụng giải pháp công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (BigData)… để đáp ứng yêu cầu triển khai, vận hành các hệ thống thông tin, nền tảng ứng dụng, các cơ sở dữ liệu.
Xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin trong Bộ Nội vụ và giữa Bộ Nội vụ với các hệt hống thông tin quốc gia. Xây dựng, phát triển và tiếp nhận các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung trong Bộ Nội vụ.
Thứ tư, phát triển dữ liệu số. Tổ chức thu thập, số hóa hồ sơ, tài liệu, tạo lập kho dữ liệu tập trung, gắn dữ liệu sau khi số hóa với các quy trình điện tử và các ứng dụng số; chuẩn hóa cấu trúc và chuyển đổi các dữ liệu thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ thành dữ liệu điện tử để hình thành các cơ sở dữ liệu phục vụ triển khai các ứng dụng nền tảng, hục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục điện tử dùng chung phục vụ tích hợp, chia sẻ và đồng bộ dữ liệu giữa các ứng dụng trong Bộ. Xây dựng Cổng công bố dữ liệu mở của Bộ Nội vụ nhằm cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu Bộ Nội vụ và kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia.
Triển khai kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp của Bộ và của quốc gia. Thiết kế kiến trúc dữ liệu tổng thể của Bộ Nôi jvụ đảm bảo nguyên tắc mỗi loại dữ liệu chỉ do một đầu mối cung cấp. Thiết lập trung tâm dữ liệu điện tử dùng chung có thể chia sẻ, kết nối để tối ưu hóa việc khai thác và đảm bảo tính bảo mật đối với từng loại thông tin.
Thứ năm, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để Chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình Chuyển đổi số. Tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia an toàn, an ninh mạng để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình Chuyển đổi số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hoạt động trên môi trường số. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới đảng viên, công chức, viên chức Bộ Nội vụ nâng cao nhận thức tự bảo vệ trên môi trường số.
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về Chuyển đổi số. Liên kết với các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tổ chức đào tạo các kỹ năng về phân tích dữ liệu, làm chủ công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở… cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của Bộ.
Đổi mới, sáng tạo trong công tác bồi dưỡng kiến thức số, đưa nội dung đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên vào các khóa nghiệp vụ công tác đảng. Nghiên cứu, ban hành chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật giỏi, lành nghề, chuyên sâu về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu Chuyển đổi số.
Chủ động liên kết với các đơn vị chuyên môn về công nghệ để đào tạo, chuyển giao công nghệ tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình Chuyển đổi số theo hình thức hợp đồng thuê chuyên gia, thuê nhân lực công nghệ thông tin.
Thứ bảy, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Hợp tác với các đơn vị trong nước và nước ngoài tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo về Chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của từng công chức, viên chức Bộ Nội vụ.
Hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong nước, nước ngoài để tham khảo và rút ra bài học kinh nghiệm; huy động nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, Chuyển đổi số…
Theo moha.gov.vn