Báo cáo chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”

(napa.vn) – Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), sáng ngày 04/11/2022, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Báo cáo chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” do GS.TSKH. Đào Trí Úc – Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Hội đồng Giáo sư nhà nước trực tiếp truyền đạt.

Tham dự chương trình có PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Phó Bí thư Đảng ủy Học viện, Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính; TS. Bùi Huy Tùng – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Học viện, Trưởng Ban Quản lý bồi dưỡng; các đồng chí lãnh đạo và đông đảo viên chức, người lao động các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện tại Hà Nội và 03 Phân viện thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

IMG_2650

ThS. Lê Thị Quỳnh Nga – Ủy viên BCH Công đoàn Học viện, Chuyên viên chính Văn phòng Đảng – Đoàn thể tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Báo cáo tại chương trình, GS.TSKH. Đào Trí Úc nêu rõ: Lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật cho thấy, nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung của nhân loại tiến bộ, đề cao pháp luật, thể hiện ước muốn, khát vọng của con người về một xã hội dân chủ và bình đẳng. Sự ra đời của mô hình nhà nước này từ nhận thức lý luận đến thực tiễn đã có những tác động tích cực, to lớn không thể phủ nhận với đời sống con người. Nhiều quốc gia tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã kế thừa, vận dụng để xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền ở những mức độ khác nhau.

IMG_2678

GS.TSKH. Đào Trí Úc truyền đạt tại chương trình

C.Mác, Ph. Ăng-ghen và V. I. Lê-nin trong các tác phẩm kinh điển của mình, mặc dù chưa sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” nhưng đã xác lập về tư tưởng những giá trị cốt lõi, đặc trưng, đó là nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, nhà nước không còn là cơ quan “đứng trên xã hội” mà là nhà nước phục tùng xã hội, “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, “nhà nước nửa nhà nước”; nhân dân không còn là “nhân dân của nhà nước” mà tự quyết định, sáng tạo nên nhà nước, là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, mang bản chất giai cấp công nhân, vì con người, giải phóng con người, bảo vệ con người; đồng thời, tổ chức, hoạt động theo pháp luật và quản lý xã hội bằng pháp luật.

Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được thể hiện rõ nét trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng, Đại hội Đảng lần thứ I, đặc biệt, được cụ thể hóa trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945). Đó là một Nhà nước với tinh thần xuyên suốt là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”. Tư tưởng này cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946 – bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta với việc hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân. Theo đó, bộ máy nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước không thể là “các ông quan cách mạng” mà là “công bộc của nhân dân”, chăm lo cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân; pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ để bảo vệ, thực hiện lợi ích vì con người.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu có chọn lọc những giá trị phổ quát của nhân loại về Nhà nước pháp quyền để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng. Cụ thể là: Việc quản lý nhà nước bằng pháp luật được chú trọng và tăng cường; hệ thống pháp luật được từng bước xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định, kế thừa những nội dung đúng đắn, tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đó, đồng thời có những sửa đổi và bổ sung quan trọng, hoàn thiện thêm cơ cấu bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và hệ thống các cơ quan tư pháp, phát huy ngày càng đầy đủ cả ba quyền: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp theo đúng quy định của Hiến pháp: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhận thức đúng đắn hơn và phát huy mạnh mẽ hơn, coi đây là cốt lõi của vấn đề đổi mới hệ thống chính trị. Về kinh tế, đó là quyền được tự do sản xuất kinh doanh ở tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm; quyền sở hữu hợp pháp tài sản và quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ; mọi tiềm năng, nhiệt tình, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân được phát huy… Về chính trị, đó là quyền dân chủ trong bầu cử, ứng cử, đề cử; trong thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật; là sinh hoạt dân chủ trong các cơ quan dân cử, các đoàn thể xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng; là quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn…

IMG_2659

Viên chức, người lao động thuộc hệ thống Học viện theo dõi tại các điểm cầu trực tuyến

Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước được đổi mới và có những tiến bộ đáng kể. Quốc hội hoạt động ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, thiết thực hơn. Tổ chức, hoạt động và điều hành của Chính phủ từng bước được đổi mới, tập trung vào công việc quản lý vĩ mô, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tương đối sâu sát, nhanh nhạy. Hoạt động của Viện Kiểm sát và Toà án các cấp cũng có những bước tiến mới. Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều đổi mới, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có nhiều đổi mới, từng bước được xác định rõ và cụ thể hơn, có chất lượng và hiệu quả cao hơn, tạo điều kiện cho việc kiện toàn, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; coi đây “là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị” ở nước ta; đồng thời, đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có xác định những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Tại buổi báo cáo, GS.TSKH. Đào Trí ÚC đã thông tin và khái quát về quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nêu một số định hướng cơ bản về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

IMG_2736

TS. Bùi Huy Tùng phát biểu tại chương trình

Nội dung báo cáo thực tế do GS.TSKH. Đào Trí Úc truyền đạt giúp cho viên chức, người lao động Học viện cập nhật được những nội dung về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy và nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt là đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới./.

Trần Trung

Comments are closed.