(napa.vn) – Sáng ngày 23/8/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện cho nghiên cứu sinh Cung Thúy Quỳnh, chuyên ngành Quản lý công, mã số 9340403, với đề tài “Tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Lê Thị Hoa.
PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại buổi lễ
Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Cung Thúy Quỳnh. Tất cả các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của Nghiên cứu sinh trong thời gian qua.
Nghiên cứu sinh Cung Thúy Quỳnh trình bày kết quả nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Cung Thúy Quỳnh với mục tiêu cấp thiết đó là: Bạo lực gia đình từ lâu đã là vấn nạn bị lên án không chỉ ở các quốc gia phát triển, quốc gia đang phát triển mà cả ở những nước còn kém phát triển. Nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới như UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc) đã không ngừng lên tiếng về vấn đề này với mong muốn đảm bảo sự an toàn cho con người trong những môi trường sống đáng phải được coi là an toàn nhất. Một trong những nỗ lực của hầu khắp các quốc gia trước vấn nạn này là ban hành và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình để điều chỉnh hành vi của các thành viên trong gia đình theo những chuẩn mực nhất định nhằm đảm bảo quyền con người được Hiến định trong Hiến pháp của nhiều quốc gia. Không chỉ vậy, rất nhiều công trình khoa học đã được nghiên cứu, nghiệm thu và triển khai trong thực tiễn về công tác phòng chống bạo lực gia đình. Song, vì nhiều lý do như: đặc điểm địa lý, văn hóa và dân cư, đặc trưng của các vùng miền khác nhau; hướng tiếp cận vấn đề và giải pháp đưa ra còn khu trú ở những phạm vi hẹp, một số quy định, một số đề tài còn thiên về lý luận… Chính vì vậy, đến nay vấn đề bạo lực gia đình vẫn đang là vấn đề cần phải được tiếp tục nghiên cứu và tiếp cận đa diện hơn. Vậy, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này trong xu thế phát triển hiện nay là gì? Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần phải làm gì để những biện pháp và chế tài xử lý đối với bạo lực gia đình được kiểm soát và có sức răn đe…Đây là những câu hỏi cần có lời giải và đặt ra cho quá trình phát triển xã hội những vấn đề cần phải kịp thời giải quyết. Thứ nhất, bạo lực gia đình – vấn nạn xâm phạm quyền con người cần được nhận diện và triệt tiêu trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập và phát triển Thứ hai, Tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay Thứ ba, tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình có tầm quan trọng đặc biệt ở vùng miền núi các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam – nơi cái nôi gia đình chịu sự chi phối nhiều từ các tập tục truyền thống đã lạc hậu và đời sống kinh tế cũng như thiết chế thực thi pháp luật còn nhiều khó khăn
Toàn cảnh buổi lễ bảo vệ luận án
Qua nghiên cứu các công trình khoa học có liên quan đến luận án “Tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam”, nghiên cứu sinh đã rút ra một số nội dung sau: Một là, qua tổng quan tình hình nghiên cứu, nghiên cứu sinh tiếp cận 02 vấn đề lớn là những vấn đề chung về lý luận, thực tiễn tổ chức thi hành pháp luật và bạo lực gia đình để tiếp nhận hệ thống tri thức và phương pháp nghiên cứu. Hai là, qua khảo sát tình hình nghiên cứu trong nước và nước ngoài chưa có đề tài nghiên cứu tiếp cận nội dung “Tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam”. Ba là, tiếp nhận, kế thừa kết quả nghiên cứu tổng quan với những giá trị quan trọng và những vấn đề chưa được các công trình khoa học đề cập cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, trong đó chú trọng: cập nhật hệ thống cơ sở khoa học; những tác động của thực tiễn xã hội đến công tác tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình; đưa ra dự b báo trong tình hình mới và các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam. 1. Luận án đã đạt được một số mục tiêu: Trong phần Tổng quan tình hình nghiên cứu, luận án đã tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú làm cơ sở cho việc xây dựng khung nghiên cứu cũng như hướng tiếp cận của đề tài song song với việc khai thác, đánh giá có sự kế thừa cũng như 23 tìm kiếm những vấn đề còn chưa được tiếp cận, làm rõ. Từ đó, luận án trình bày theo logic gắn với tên đề tài theo hướng đi từ việc làm rõ khái niệm, đặc điểm của pháp luật, gắn với hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình làm nội dung trọng tâm để đi đến việc làm rõ những vấn đề gắn với “tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” trong phạm vi nghiên cứu là các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc. Phần Những vấn đề lý luận về tổ chức thi hành pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình tác giả đã luận giải những vấn đề cơ bản nhất gắn với “tổ chức thi hành pháp luật” và “phòng, chống bạo lực gia đình”. Qua nội dung chương 2 này, luận án đã trả lời được những câu hỏi nghiên cứu đã đặt ra, như “Nhận thức như thế nào về tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình? Hay Những yếu tố, điều kiện nào có tác động, ảnh hưởng đến tổ chức tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua việc triển khai các nội dung theo kết cấu đề cương đã xây dựng, chương 2 luận án cũng đặt ra những vấn để cần được làm rõ hơn trong phần thực trạng của đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Luận án cũng đã thực hiện đa dạng các phương pháp nghiên cứu, khảo sát gắn với phương pháp luận để tiến hành điều tra xã hội học, so sánh, phân tích, đánh giá, tổng hợp dựa trên các số liệu có được, tác giả đã trình bày những nhận định cơ bản theo hướng tiếp cận thực tiễn để làm cơ sở cho việc tìm kiếm giải pháp mà đề tài hướng đến. Có thể nói, kết quả đạt được trong chương 3 góp phần rất quan trọng cho việc trang bị những kỹ năng nghiên cứu khoa học của tác giả. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp tục quán triệt thực hiện chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tác giả đã trình bày quan điểm của Đảng gắn với quan điểm của tác giả về việc tiếp tục thực hiện quan điểm, định hướng, mục tiêu trong tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc nói riêng. Cũng trong phần này, luận án đã đưa ra các nhóm giải pháp gắn với khoa học quản lý công, theo đó các nhóm giải pháp đã gắn với thể chế, trong đó có trách nhiệm hoàn thiện thể chế của các cơ quan có thẩm quyền trong tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đối với công tác này, nhóm giải pháp liên quan đến con người không chỉ là đội ngũ cán bộ, công 24 chức mà cả người dân, tác giả luận án cho rằng nhận thức của người dân về việc nâng cao trình độ pháp luật và ý thức pháp luật đóng vai trò quan trọng trọng việc tổ chức thi hành pháp luật và việc giáo dục đạo đức trong môi trường gia đình đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực gia đình. Trong các giải pháp đó, tác giả cũng dành riêng một nhóm giải pháp để áp dụng thực tế với các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc, gắn với các điều kiện đặc trưng vùng miền. Với hướng nghiên cứu giải pháp như vậy tác giả đã chia ra 05 nhóm để phân tích với mong muốn đảm bảo hiệu quả nhất công tác tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bản các tỉnh Tây Bắc.
Các thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh
Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn: Luận án đã chỉ ra được những tồn tại cơ bản trong giai đoạn hiện nay đối với tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc; thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều bất cập như: còn chưa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; đặc biệt trong sự tương quan với luật quốc tế còn cần phải điều chỉnh khá nhiều cho phù hợp với các công ước mà Việt Nam đã tham gia… Thứ hai, quá trình tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình bên cạnh việc thiếu vắng các quy định của pháp luật là việc lúng túng trong quy trình, cơ chế triển khai thực hiện của một số cơ quan, ban ngành dẫn đến việc phối hợp, thực hiện chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, các hoạt động trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc vẫn còn bộc lộ những yếu tố tác động đến hiệu quả thực hiện, như: công tác thu thập thông tin về bạo lực gia đình chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị liên quan như: cơ quan quản lý hành chính nhà nước, hội phụ nữ, tòa án nhân dân…; công tác tuyển truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều sự đổi mới và chưa thực sự gắn với người dân vùng sâu, vùng cao…; công tác áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính trong phòng chống bạo lực gia đình chưa quyết liệt, chưa nhất quán. Luận án là tài liệu tham khảo quan trọng cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
PGS.TS. Lương Thanh Cường thay mặt lãnh đạo Học viện tặng hoa chúc mừng Nghiên cứu sinh
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.
Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện, Nghiên cứu sinh Cung Thúy Quỳnh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích, giúp Nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện đề tài một cách chỉnh chu hơn trước khi nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Học viện Hành chính Quốc gia./.
Ảnh lưu niệm tại buổi lễ
Phạm Hải Long