(napa.vn) – Sáng ngày 18/6/2021, tại Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện cho nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan – Khóa 15 (2017 – 2020), chuyên ngành Quản lý công, mã số 9340403, với đề tài “Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Phạm Kiên Cường và TS. Lê Thị Hà.
Hội đồng đánh giá luận án gồm 07 thành viên, đến từ Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Quang cảnh lễ bảo vệ luận án của Nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan
Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan. Tất cả các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của Nghiên cứu sinh trong thời gian qua.
PGS.TS. Đinh Thị Minh Tuyết – Thư ký Hội đồng trình bày lý lịch khoa học của Nghiên cứu sinh
Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan với mục tiêu cấp thiết đó là nghiên cứu lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam.
Nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan trình bày kết quả nghiên cứu
Luận án đã có những đóng góp mới về trong nghiên cứu, cụ thể: Một là, luận án quan niệm Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực, pháp luật nhà nước đối với các quá trình, các hoạt động lao động trẻ em để nhằm giải quyết một cách toàn diện các nguyên nhân và hậu quả của lao động trẻ em, giảm thiểu lao động trẻ em, hướng đến bảo vệ quyền trẻ em. Hai là, luận án xác định các nội dung Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em bao gồm: (i) Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng ngừa lao động trẻ em; (ii) Xây dựng và thực hiện chính sách phòng ngừa lao động trẻ em; (iii) Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức QLNN về phòng ngừa lao động trẻ em; (iv) Hỗ trợ và huy động nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất để phòng ngừa lao động trẻ em; (v) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng ngừa lao động trẻ em; (vi) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về trẻ em nhằm phòng ngừa lao động trẻ em; (vii) Hợp tác quốc tế về phòng ngừa lao động trẻ em Ba là, luận án chỉ ra các bài học kinh nghiệm Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở một số quốc gia trên thế giới, gồm: (i) Kinh nghiệm về gia tăng sự hiểu biết và huy động lự lượng xã hội; (ii) Kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện pháp luật để phòng ngừa lao động trẻ em; (iii) Kinh nghiệm trong xây dựng các phương tiện và chương trình giáo dục; (iv) Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực thực hành công tác xã hội với trẻ em. Các giá trị tham khảo cho Việt Nam gồm: (i) Tăng cường hiểu biết của cộng đồng, xã hội và doanh nghiệp về việc sử dụng lao động trẻ em; (ii) Bổ sung, cụ thể hóa các quy định pháp luật lao động trẻ em nói chung và phòng ngừa lao động trẻ em nói riêng; (iii) Thúc đẩy giáo dục cho trẻ em; (iv) Phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên xã hội làm công tác bảo vệ trẻ em; (v) Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, tập trung vào nhóm dễ bị tổn thương. Bốn là, luận án chỉ ra các hạn chế trong QLNN về phòng ngừa lao động trẻ em, gồm: (i) Các văn bản pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em chưa được cụ thể hóa và đồng bộ; (ii) Việc tổ chức thực hiện chính sách phòng ngừa lao động trẻ em ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; (iii) Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu; (iv) Công tác thanh tra việc thực thi, chấp hành pháp luật và chính sách phòng ngừa lao động trẻ em chưa thực hiện thường xuyên; (v) Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em còn nhiều khó khăn, số liệu thống kê về lao động trẻ em chưa phản ánh kịp thời, chính xác; (vi) Kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ phòng ngừa lao động trẻ em hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (vii) Tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em chưa đồng bộ. Năm là, luận án đề xuất 7 giải pháp nhằm hoàn thiện Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em, gồm: (i) Sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện kịp thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em; (ii) Bổ sung, cụ thể hoá và thúc đẩy việc triển khai các chính sách phòng ngừa lao động trẻ em; (iii) Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện phòng ngừa lao động trẻ em; (iv) Tăng mức hỗ trợ, phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng ngừa lao động trẻ em; (v) Tiến hành thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em; (vi) Hỗ trợ việc triển khai hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về phòng ngừa lao động trẻ em; (vii) Sửa đổi và bổ sung quy chế phối hợp liên ngành Quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em.
TS. Chu Xuân Khánh – Thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh
Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn: luận án đã hệ thống hóa và bổ sung cơ sở lý luận quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em; trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng lao động trẻ em và thực trạng quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam thông qua các số liệu, báo cáo từ các công trình đã công bố và khảo sát của nghiên cứu sinh, luận án đưa ra những nhận định khách quan, đánh giá những mặt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam; luận án đã làm rõ vai trò của chính sách, pháp luật, của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong phòng ngừa lao động trẻ em, sự cần thiết phải hoàn thiện quản lý nhà nước và đề xuất một số giải pháp cơ bản phòng ngừa lao động trẻ em, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em ở Việt Nam; luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo có giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, y tế trong hoạt động quản lý nhà nước, trong hoạch địch chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em và có thể làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu, giảng dạy về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em và xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan.
PGS.TS. Hoàng Mai – Đảng ủy viên, Trưởng Ban Quản lý đào tạo Sau đại học, Học viện Hành chính Quốc gia đại diện cơ sở đào tạo tặng hoa chúc mừng Nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.
Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện, Nghiên cứu sinh Trương Thị Ngọc Lan đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích, giúp Nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện đề tài một cách chỉnh chu hơn trước khi nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Học viện Hành chính Quốc gia./.
Một số hình ảnh tại Lễ bảo vệ luận án của NCS Trương Thị Ngọc Lan:
Các thành viên Hội đồng đặt câu hỏi phản biện
Đại diện người hướng dẫn khoa học phát biểu
Hội đồng tặng hoa chúc mừng NCS Trương Thị Ngọc Lan
Người hướng dẫn khoa học tặng hoa chúc mừng NCS Trương Thị Ngọc Lan
Tập thể Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội tặng hoa chúc mừng NCS Trương Thị Ngọc Lan
Tập thể Bộ môn tặng hoa chúc mừng NCS Trương Thị Ngọc Lan
Đại diện gia đình tặng hoa chúc mừng NCS Trương Thị Ngọc Lan
Trần Trung