ĐẢNG BỘ HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA VỚI VAI TRÒ HẠT NHÂN LÃNH ĐẠO CỦA HỌC VIỆN

 1. Vài nét về quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia

Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia (sau đây viết tắt là ĐBHV) được thành lập vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX (theo Nghị quyết số 450 ngày 04/02/1983 của Quận ủy Đống Đa về việc chuyển Chi bộ thành Đảng bộ cơ sở) với tên gọi ban đầu là Đảng bộ Trường Hành chính Trung ương. Tại thời điểm này, Đảng bộ có tổng số 32 đảng viên, trong đó có 5 đồng chí là Ủy viên  Ban Chấp hành Đảng bộ.

Cùng với sự đi lên của Học viện Hành chính Quốc gia, ĐBHV từng bước phát triển và được đánh dấu qua các kỳ Đại hội. Mỗi một kỳ đại hội là một dấu son về công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện. ĐBHV đã trải qua 10 kỳ đại hội.

Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ I (04/02/1983) đánh dấu mốc từ Chi bộ Trường Hành chính Trung ương thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Quận ủy Đống Đa, Hà Nội. Đại hội này đã mở ra một thời kỳ mới cho quá trình phát triển của Trường Hành chính Trung ương. Đảng ủy đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung củng cố tổ chức bộ máy, thu hút nguồn lực từ bên ngoài Học viện; tăng cường chỉ đạo các địa phương và từng bước xây dựng cơ sở vật chất của Trường trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Tiếp đến Đại hội II (năm 1985), Đảng ủy đã đưa ra chương trình hành động tập trung vào các nhiệm vụ về chính trị tư tưởng, phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; về tổ chức nâng cao vị trí trách nhiệm chi bộ, củng cố các đoàn thể quần chúng; tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu cho các hệ bồi dưỡng cán bộ chính quyền cơ sở và công chức, viên chức.

Đại hội III (năm 1988), Đảng bộ đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm quán triệt đường lối đổi mới của Đảng nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản của nhà trường; củng cố tổ chức bộ máy, thành lập thêm các đơn vị, chi bộ mới để củng cố và phát triển; tiếp tục xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo (được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô) đưa vào giảng dạy cho các hệ bồi dưỡng, từng bước triển khai hợp tác quốc tế… Tiếp tục phát triển công tác đảng.

Tháng 9/1991, diễn ra Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ IV (lúc này Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia). Đảng bộ Trường từ trực thuộc Quận ủy Đống Đa (Hà Nội) chuyển sang trực thuộc Đảng bộ Khối cơ quan Khoa giáo Trung ương (6/1992). Nhiệm kỳ này, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, ĐBHV đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách nền hành chính quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đại hội V (tháng 12/1994), thời kỳ này cuộc cải cách hành chính và tư pháp được đẩy mạnh, đặt ra cho Đảng bộ Học viện định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, biên soạn, sửa đổi bổ sung chương trình, giáo trình phục vụ cho nền hành chính đang được cải cách.

Đại hội VI (tháng 4/1999), Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ về cải cách hành chính; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng ĐTBD, mở rộng quy mô ĐTBD cả chiều rộng lẫn chiều sâu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo mục tiêu chiến lược cải cách nền hành chính nhà nước.

Đại hội VII (tháng 4/2002), ĐBHV chuyển từ Đảng bộ Khối cơ quan Khoa giáo Trung ương về trực thuộc Đảng bộ Khối I cơ quan Trung ương. Trong nhiệm kỳ này, Học viện chuyển từ cơ quan trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Nội vụ (tháng 11/2003). Đảng bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo về công tác đào tạo (đại học, sau đại học), bồi dưỡng (các hệ bồi dưỡng, tiền công vụ, giảng viên, nghiên cứu viên…); nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các phân viện trực thuộc tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố Huế, khu vực Tây Nguyên (theo Quyết định 234/2003/QĐ-TTg ngày 13/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia).

 Đến Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ VIII (tháng 10/2005), Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ căn bản của một trung tâm Quốc gia về ĐTBD cán bộ, công chức cho hệ thống chính trị; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong nhiệm kỳ này, ĐBHV tiếp nhận Chi bộ Phân viện khu vực Tây Nguyên từ Đảng bộ Khối cơ quan Dân – Chính – Đảng tỉnh Đắk Lắk (2006). Đồng thời, ĐBHV chuyển từ Đảng bộ Khối I cơ quan Trung ương về ĐBHV Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (4/2009) và được giao quyền cấp trên cơ sở (hoạt động như Đảng bộ cấp trên cơ sở). Tuy có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, nhưng Đảng bộ vẫn bám sát chỉ đạo của Trung ương và cấp ủy cấp trên, thống nhất cao trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đại hội nhiệm kỳ IX (2010 – 2015), ĐBHV chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ trên các mặt công tác trọng tâm là: công tác ĐTBD, công tác biên soạn giáo trình, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất… và đạt được những kết quả đáng tự hào.

Đại hội nhiệm kỳ X (2015 – 2020), được diễn ra trong hai ngày (25/6 – 26/6/2015) với phương châm hành động: Đoàn kết – Kỷ cương – Chuẩn mực – Trách nhiệm – Phát triển. Trong nhiệm kỳ này có một dấu mốc quan trọng với sự phát triển của Học viện, đó là Học viện được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Đây là bước chuyển mình của Học viện nói chung và Đảng bộ nói riêng trong lịch sử xây dựng và phát triển. Từ đây cũng mở ra một trang mới trong chặng đường xây dựng và phát triển Học viện, vừa là khó khăn, thách thức, vừa là cơ hội. Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg trở thành khung pháp lý để tái cấu trúc Học viện về các lĩnh vực từ hệ thống các quyết định vận hành tổ chức hoạt động của Học viện; tổ chức bộ máy; hoạt động ĐTBD đến cơ sở vật chất và một số lĩnh vực trọng tâm khác.

        Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ Học viện đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Học viện là: (1) Xây dựng chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045; (2) Trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương giao Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong các cơ quan hành chính; (3) Xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền của Bộ Nội vụ đối với Học viện Hành chính Quốc gia; (4) Trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất Học viện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

        Sau hơn 35 năm thành lập Đảng bộ, tính đến ngày 28/02/2019, toàn Đảng bộ có 664 đảng viên sinh hoạt tại 33 tổ chức đảng thuộc và trực thuộc Đảng bộ. Trong đó, gồm: 19 chi bộ tại Hà Nội, 2 chi bộ tại Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên và 1 Đảng bộ bộ phận Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh (gồm 9 chi bộ). Trải qua 10 kỳ đại hội, các cấp ủy đảng luôn giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện.

2. Một số kết quả hoạt động của Đảng bộ Học viện Hành chính quốc gia

 Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, ĐBHV đã thể hiện rõ nét vai trò hạt nhân lãnh đạo của Học viện, đã lãnh đạo toàn Học viện hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Học viện ngày càng xứng tầm là trung tâm quốc gia về ĐTBD cán bộ, công chức và nghiên cứu, phát triển khoa học hành chính. Thành tích mà Học viện được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng những danh hiệu cao quý, đó là: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1994); Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm  2002); Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2009); Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2014).

Về công tác Đảng, ĐBHV được tặng: Cờ Đảng bộ có thành tích trong hoạt động xây dựng Đảng (năm 2000 – 2002); Bằng khen về thành tích Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền 2001 – 2005 (năm 2005); liên tục các năm được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trong đó năm học 2011 – 2012 được nhận Giấy khen Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu… Về cá nhân, có 2 đảng viên được tặng Kỉ niệm chương vì Sự nghiệp bảo vệ Đảng.

Có được kết quả trên là do Đảng ủy Học viện thường xuyên coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và coi đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định để Học viện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhất quán với quan điểm đó, Đảng ủy Học viện đã tiến hành đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ được tăng cường; đội ngũ cán bộ đảng viên luôn mẫu mực về phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống…, thực sự là nòng cốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

 Đảng ủy Học viện chỉ đạo sát sao việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện trong tất cả các mặt hoạt động. Cán bộ, đảng viên được tham gia các hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị một cách hiệu quả; phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân trong tham mưu các chủ trương, chính sách trong lĩnh vực hành chính và QLNN cho Bộ Nội vụ và Chính phủ.

3. Định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Học viện trong thời gian tới

  Theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia nay là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ. Đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước chuyển mới về sứ mệnh của Học viện; khẳng định tầm vóc, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của Học viện Hành chính Quốc gia là một trung tâm quốc gia về ĐTBD đội ngũ CBCC.

 Để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy đã kịp thời có những định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo trong thời gian tới như sau:

          Một là, thống nhất tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Hành chính Quốc gia lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đó là Đoàn kết – Kỷ cương – Chuẩn mực – Trách nhiệm – Phát triển. Tư tưởng này là nền tảng của phương châm hành động xuyên suốt của ĐBHV. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng; giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm mới của Đảng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong CBCCVC, người lao động, học viên, sinh viên Học viện gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tiếp tục chỉ đạo kiện toàn các cấp ủy chi bộ, lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc và trực thuộc trên tinh thần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố và xây dựng khối đoàn kết nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng về thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; về thực hiện Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc đảng viên thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy nơi cư trú; về thực hiện Quy định số 126-QĐ/TW một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng…; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các chi bộ, đảng bộ; kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác chuyên môn và phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên Học viện.

        Hai là, xác định rõ nhiệm vụ chính trị của Học viện trong thời kỳ mới là “ĐTBD lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược theo hướng tinh hoa” “đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa – hội nhập quốc tế.  Đảng ủy Học viện chỉ đạo toàn Đảng bộ tiếp tục duy trì, phát triển sáng tạo những thành quả và các giá trị tốt đẹp, gắn liền với nhiệm vụ chính trị được giao của Học viện trong suốt chiều dài lịch sử 60 năm qua với những nội dung chỉ đạo cụ thể.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến quá trình ĐTBD (nâng cao chất lượng các hoạt động ĐTBD và nghiên cứu khoa học; công tác tư vấn và thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo theo hệ thống tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm đến năm 2020 đạt chuẩn chất lượng trường học trong khu vực và quốc tế; tăng quy mô ĐTBD khác theo nhu cầu xã hội, đa dạng hoá các loại hình ĐTBD, thay đổi cơ cấu ĐTBD phù hợp với nhu cầu xã hội (như ĐTBD chất lượng cao, ĐTBD liên kết với nước ngoài, chương trình ĐTBD tiên tiến…) hướng đến tự chủ tài chính trên cơ sở phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, ngành nghề đào tạo; đổi mới một cách toàn diện công tác quản lý giáo dục theo chủ trương chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình ĐTBD; đánh giá nhu cầu ĐTBD, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu bổ trợ theo hướng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, VC từ những vị trí, lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị ĐTBD, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, các đơn vị tham mưu chức năng theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình quản lý, điều hành. Từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản, sử dụng cơ sở vật chất… trên nguyên tắc công khai, minh bạch, ưu tiên phục vụ nhiệm vụ chính trị và lợi ích tập thể. Xây dựng, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện tinh giản biên chế và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Ba là, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể: Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các Hội, một mặt, tiếp tục duy trì và phát huy các thành tựu xuất sắc mà Công đoàn, Đoàn, Hội sinh viên đã phấn đấu đạt được trong nhiều năm qua; mặt khác, tập trung làm tốt công tác phát triển đảng trong công đoàn viên, sinh viên bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng. Đoàn Thanh niên Học viện tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Thiết thực – Hiệu quả” mà Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhiệm kỳ V của Học viện đã đề ra.

Trong giai đoạn mới, việc xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực tiếp tục được đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược cần tập trung thực hiện. Với những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển của mình, ĐBHV tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong hiện tại và tương lai.

ĐẢNG BỘ HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA

Comments are closed.