(napa.vn) – Sáng ngày 08/4/2021, tại Trụ sở Bộ Nội vụ, Viện Khoa học tổ chức nhà nước tổ chức nghiệm thu chính thức Đề tài khoa học cấp bộ “Quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam” do Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì, TS. Nguyễn Quỳnh Nga – Giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính làm Chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài do PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn – Văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước làm Chủ tịch. Tham dự buổi nghiệm thu có TS. Phan Văn Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương; TS. Nguyễn Ngọc Vân – Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; về phía Học viện Hành chính Quốc gia có PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Đảng ủy viên, Chánh Văn phòng cùng đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia và nhóm nghiên cứu Đề tài.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên đưa ra khái niệm “quản trị quốc gia”, và khẳng định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả” là một trong ba đột phá chiến lược. Với mô hình quản trị hiện đại này, cần đặt ra những chiến lược quản trị đối với từng lĩnh vực cụ thể của nền hành chính nhà nước, trong đó, “quản trị truyền thông” là một trong những nội dung quan trọng nhằm hướng đến xây dựng hình ảnh và mối quan hệ tích cực, hữu ích giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân và các nhóm công chúng khác liên quan, thông qua đó huy động sự tham gia của các bên vào quá trình quản lý, nhằm đạt được sự đồng thuận xã hội.
TS. Nguyễn Quỳnh Nga trình bày kết quả nghiên cứu tại buổi nghiệm thu
Đề tài nghiên cứu đề cập đến vai trò, tầm quan trọng của công tác quản trị truyền thông của chính quyền địa phương; làm rõ những bất cập, hạn chế và những khoảng trống trong nghiên cứu về lĩnh vực này ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, những công trình khoa học nghiên cứu về quản trị truyền thông trên thế giới và ở Việt Nam khá phong phú, một số công trình đã hệ thống hóa tương đối đầy đủ những kiến thức lý luận về lĩnh vực này. Tuy nhiên, mảng nghiên cứu về quản trị truyền thông của cơ quan hành chính nhà nước nói chung, của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nói riêng còn khá khiêm tốn. Cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện cả trên phương diện lý luận và thực tiễn về quản trị truyền thông của chính quyền địa phương ở Việt Nam, đặc biệt là quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước hiện nay.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, đề tài được kết cấu thành ba chương cơ bản: Chương 1: Cơ sở lý luận về quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam; Chương 2: Thực trạng quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam; Chương 3: Giải pháp tăng cường quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam. Đặc biệt, nhóm tác giả đã xây dựng và đề xuất Khung chương trình bồi dưỡng về quản trị truyền thông cho chính quyền địa phương với thời lượng 32 tiết tương ứng với 8 chuyên đề, chia thành 3 phần: kiến thức chung, kỹ năng và báo cáo thu hoạch.
Đề tài đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Theo nhận xét của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đề tài này đã nêu rõ cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu về hoạt động quản trị truyền thông của chính quyền địa phương dưới góc độ bốn yếu tố cấu thành của nền hành chính (thể chế, bộ máy, nhân sự, tài chính công), bên cạnh đó, yếu tố khoa học công nghệ được bổ sung và phân tách thành một yếu tố riêng, để thấy được sự ảnh hưởng quyết định của yếu tố này đến sự thay đổi các phương thức truyền thông của chính quyền địa phương, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Mục tiêu nghiên cứu Đề tài được làm rõ hướng tới việc hoàn thiện công tác quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS Nguyễn Minh Mẫn, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá Đề tài có giá trị thực tiễn cao. Nhóm tác giả có sự đầu tư nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Kết quả Đề tài có tính khoa học, đáp ứng được nội dung của đề tài cấp bộ. Đặc biệt, Đề tài áp dụng các phương pháp điều tra xã hội học, các luận điểm nghiên cứu có tính thuyết phục cao, sản phẩm nghiên cứu được đăng tại các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại buổi nghiệm thu
Phát biểu tại buổi nghiệm thu Đề tài, đại diện cho đơn vị chủ trì thực hiện Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu đã gửi lời cảm ơn các ý kiến đánh giá, góp ý cho Đề tài rất quý báu và hữu ích không chỉ để nhóm nghiên cứu hoàn thiện Đề tài mà còn gợi mở cho công tác hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách về quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh công cuộc cải cách hành chính nhà nước tiếp tục được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện. Các ý kiến tham gia không chỉ có giá trị khoa học mà có ý nghĩa thực tiễn cao, vì vậy nhóm nghiên cứu cần tiếp thu, hoàn thiện Đề tài và tiếp tục nghiên cứu trong các công trình tiếp theo.
Hội đồng nghiệm thu chúc mừng và chụp ảnh lưu nhiệm cùng Chủ nhiệm đề tài
Đề tài được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và đánh giá xếp loại xuất sắc./.
Trần Trung