Doanh nghiệp ví biểu thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam như ma trận

Đây là một trong những ý kiến được doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2014 được tổ chức sáng 30/10.

Tại hội nghị, bà Phạm Thị Loan – Chủ tịch Công ty Tập đoàn Việt Á phản ánh 5 bất cập của lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, liên quan đến biểu thuế hiện nay, bà Loan ví von như một ma trận và doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Một mặt hàng mà doanh nghiệp không biết áp vào mức thuế bao nhiêu. Doanh nghiệp bảo hàng hóa của mình được áp mã này nhưng cơ quan hải quan lại yêu cầu áp mã khác, thuế suất cao hơn”, bà nói.

Vị này lấy ngay dẫn chứng tại Việt Á, một số loại máy như máy biến ròng, biến điện áp trong nước không sản xuất được và doanh nghiệp đều phải nhập khẩu. Trước đây các loại máy có cùng một mã, nhưng nay mỗi mã có một mức thuế khác nhau. Do đó, đơn vị vừa xác định mã để kê khai thuế vừa run vì sợ sai.

“Một ví dụ khác là mặt hàng hộp nối cáp quang, trong biểu thuế định danh mức thuế suất 0%. Tuy nhiên, cơ quan hải quan đòi áp mức 20%, thậm chí còn đòi truy thu trong vòng 5 năm. Mỗi mặt hàng như thế truy thu 4-5 tỷ đồng thì doanh nghiệp còn đâu lợi nhuận nữa”, bà Loan nói.

logictics-1302-1414657633.jpg

Doanh nghiệp cho rằng, biểu thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay gây nhiều khó khăn trong việc áp dụng.

Với những dẫn chứng đó, Chủ tịch Việt Á kiến nghị trong thời gian tới biểu thuế cần được sửa đổi một cách toàn diện và triệt để hơn.  Không riêng biểu thuế, theo bà Loan, các văn bản pháp quy của ngành thuế, hải quan cũng nhiều như “ma trận”.

“Trong khi đó, ngoài những văn bản chính thống còn chưa kể đến những loại văn bản hướng dẫn theo kiểu nội bộ của các cấp trong ngành. Hơn nữa, quá trình tổ chức thực hiện xa rời các nội dung văn bản, đôi khi khiến doanh nghiệp phải xoay như chong chóng từ thái cực nọ sang thái cực kia”, bà Loan ví von.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận những tồn tại về vấn đề biểu thuế mà đại diện doanh nghiệp đã nêu ra. Ông Tuấn cũng cho biết, trước đó, sau khi tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, Bộ đã đề nghị với Chính phủ bổ sung biểu thuế xuất nhập khẩu vào chương trình làm luật của năm 2015.

“Thực tế, nếu không sửa được luật này thì đúng là khó khăn cho doanh nghiệp. Biểu thuế cũ được xây dựng trong bối cảnh hội nhập kinh tế của Việt Nam chưa sâu rộng như hiện nay. Khi đó, chúng ta cũng chưa tham gia nhiều các hiệp định thương mại quốc tế. Trong khi hiện nay tình hình đã thay đổi rất nhiều “, ông Tuấn lý giải.

Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc sửa đổi những nội dung cơ bản của biểu thuế để đáp ứng thách thức hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc làm này sẽ được tiến hành trên cơ sở phải bảo hộ được nền sản xuất trong nước và không cao hơn cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại.

Về công tác giải quyết khiếu nại, ông Tuấn cho biết, về nguyên tắc doanh nghiệp có thể gửi khiếu nại nhiều lần. Trường hợp doanh nghiệp chưa đồng tình với phương án giải quyết thì cơ quan hải quan, và cấp cao hơn là Bộ Tài chính sẵn sàng xin ý kiến của Bộ, ngành liên quan để tìm ra phương án thấu đáo.

“Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành hải quan nếu làm sai phải đền bù cho doanh nghiệp số tiền đã truy thu theo lãi suất ngân hàng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng nêu những bất cập xung quanh các văn bản của ngành thuế và hải quan. “Có rất nhiều văn bản được ban hành nhưng chồng chéo nhau, trong khi đó một số nội dung vẫn bị bỏ sót, tạo điều kiện cho gian lận thương mại”, đại diện một doanh nghiệp cho hay.

Riêng lĩnh vực Hải quan, đa số ý kiến tại hội nghị đều chỉ ra những bất cập do sự thiếu đồng bộ trong thông tin của ngành về quá trình hoàn thiện lệ phí tờ khai khiến nhiều doanh nghiệp tuy đã nộp tiền nhưng vẫn bị coi là nợ, dẫn đến không được hoàn thuế.

Về quy trình, thủ tục nghiệp vụ hải quan điện tử, đại diện doanh nghiệp tại hội nghị phàn nàn số lượng giấy tờ cần ký và đóng dấu vẫn còn quá nhiều.”Đã áp dụng tờ khai điện tử và chữ ký số thì cơ quan hải quan nên bỏ công đoạn xác nhận, đóng dấu tờ khai giấy khi thông quan hàng hóa, giảm thiểu các chứng từ cần ký thì mới đem lại hiệu quả giảm thiểu thủ tục hành chính”, ông Nguyễn Hồng Khoái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Phát triển Doanh nghiệp KN Hà Nội nói.

Với thủ tục thuế, doanh nghiệp kiến nghị ngành tạo điều kiện khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nộp và hoàn thuế, đẩy mạnh áp dụng các hình thức khai, nộp qua mạng, sử dụng dịch vụ tư vấn…

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết vừa qua cơ quan này đã có chỉ đạo ngành thuế, hải quan không được yêu cầu doanh nghiệp bất kỳ giấy tờ gì không có trong quy định. Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn về việc doanh nghiệp được dùng ngay chứng từ của mình để chứng minh với cơ quan hải quan về việc không nợ thuế.

“Năm nay, Bộ đã kỷ luật 2 trường hợp cán bộ thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng như trên”, ông Tuấn nói.

Comments are closed.