Kết nối châu Á – chuẩn bị cho giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21
Kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Đại học Aston, Vương quốc Anh
Thời gian: Ngày 26 – 27 tháng 11 năm 2013
Địa điểm: Khách sạn Intercontinental Asiana Sài Gòn
Góc Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, Quận 1
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
NỘI DUNG
Đây là một trong chuỗi chín sự kiện đối thoại chính sách được tổ chức tại khu vực Đông Á bao gồm: Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Indonesia và Nhật Bản. Mỗi sự kiện sẽ tập trung thảo luận một chủ đề cụ thể tác động tới giáo dục đại học của các nước khu vực Đông Á và Vương quốc Anh.
Quyền lực của thế giới đang chuyển dần về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nền kinh tế của khu vực phía Tây trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới. Năm 2015, hội nhập kinh tế ASEAN có nghĩa là cách tiếp cận tương đồng và tính cạnh tranh tăng lên trong khu vực. Tầm quan trọng trong việc năng suất và tính cạnh tranh phải cao trong một thị trường toàn cầu đang lên phụ thuộc vào việc đầu tư về nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển cũng như phát triển công nghệ. Đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề đóng vai trò quan trọng đối với khu vực Đông Á tiến tới một khu vực lớn mạnh và phát triển về công nghệ.
Đối thoại chính sách tại Việt Nam lần này đã thảo luận về việc các trường đại học giải quyết những thách thức về phát triển của quốc gia như thế nào. Các trường đại học cần có khả năng cung cấp các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để tăng năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh. Điều này cũng có nghĩa các trường đại học cần phải kết nối với thế giới việc làm, kết nối giữa các trường đại học với nhau và với các viện nghiên cứu tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Thông qua các nghiên cứu điển hình của Vương quốc Anh và các nước trong khu vực Đông Á, hội nghị đã đặc biệt khai thác các khía cạnh sau:
- Mô hình trường đại học cho thế kỷ 21
- Quản trị và quản lý trường đại học để trở thành các trường đại học thành công
- Nâng cao chất lượng để đẩy mạnh hợp tác đa phương
- Vai trò của quốc tế hóa
- Nghiên cứu và vai trò của ngành công nghiệp trong việc thương mại hóa các kết quả sáng tạo
THÔNG TIN CHUNG
Luật Giáo dục Đại học của Việt Nam
Luật Giáo dục đại học của Việt Nam vừa được đưa vào áp dụng từ tháng Một năm 2013. Luật Giáo dục Đại học nhằm đổi mới và đưa ra quy định cho hệ thống giáo dục với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cần thiết cho Việt Nam trên đà tiến tới xây dựng nền kinh tế tri thức thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế. Luật Giáo dục Đại học mới cũng đề cập tới nhiều lĩnh vực trong đó có tính tự chủ, các vấn đề về nghiên cứu, khoa học và công nghệ, quyền sở hữu trường đại học và đảm bảo chất lượng.
Báo cáo của Hội đồng Anh
Một báo cáo gần đây của Hội đồng Anh nghiên cứu các chương trình liên kết đạo tạo tại 25 quốc gia và kết luận rằng các nước trong khối ASEAN đã tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn mức trung bình về thị trường và chính sách để thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các trường đại học mong muốn thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và nâng cao chất lượng cần tìm kiếm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng như mở rộng quan hệ hợp tác rộng rãi hơn với các đối tác toàn cầu là các nhà tuyển dụng.
HÌNH THỨC HỘI THẢO
- Bài phát biểu của các diễn giả chính
- Thảo luận theo nhóm và thảo luận bàn tròn
ĐỐI TƯỢNG CỦA HỘI NGHỊ
80 nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo từ các cơ quan Nhà nước, đại diện của khối giáo dục và kinh doanh đến từ Vương quốc Anh, các nước Đông Á và Việt Nam đã tham dự hội nghị.
NGÔN NGỮ
Hội nghị được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.
PHỎNG VẤN NHANH ĐẠI BIỂU THAM DỰ HỘI NGHỊ
Kết nối châu Á – Họ đã nói gì
- Ông Sam Jones, Quản lý Truyền thông và Quan hệ công chúng, University Alliance, Vương quốc Anh – “Tầm nhìn đại học” là một dự án xây dựng các tình huống giả định, phân tích các yếu tố vĩ mô như: môi trường, chính trị, các vấn đề xã hội, từ đó hình dung ra viễn cảnh tương lai và những ảnh hưởng của nó đối với các trường đại học. Sử dụng mô hình này, các đại biểu có thể có được hình dung về tương lai của (giáo dục đại học) khu vực Đông Nam Á”
- Ông Saad Rizvi, Giám đốc (phụ trách Hiệu quả hoạt động), Công ty Pearson, Vương quốc Anh – “Bài trình bày của tôi nói về cuộc cách mạng, được ví như một trận lở tuyết trong giáo dục đại học. Đầu tiên là những xu hướng vĩ mô đang làm thay đổi suy nghĩ và hành động của các trường đại học trong tương lai – nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi, nhiều công nghệ mới được sử dụng trong giáo dục đại học, tỉ lệ thất nghiệp trên thế giới tăng và nhu cầu cung cấp kiến thức mới cho sinh viên. Chủ đề thứ hai là sự ‘bung tỏa’ trong giáo dục đại học, từ giáo trình, công tác giảng dạy, đánh giá, v.v. ‘Bung tỏa’ ở đây có nghĩa là những hoạt động chuyên môn của trường đại học hiện có thể được cung cấp bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác, trong những điều kiện thậm chí còn tốt hơn các trường đại học truyền thống, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Sự thay đổi này cũng là động lực để các trường đại học đổi mới và “sáng tạo” lại các dịch vụ và sản phẩm của mình.”
- Ông Bill Rammell, Hiệu trưởng, Đại học Bedfordshire, Vương quốc Anh – “Giáo dục đại học chính là tương lai!”. Thế kỷ 19, các thị trấn và thành phố phát triển thường nằm gần các nguồn tài nguyên thô. Thế kỷ 20, các thị trấn và thành phố phát triển thường nằm ở những đầu mối giao thông thuận lợi. Thế kỷ 21, các thị trấn và thành phố phát triển sẽ là những nơi có nền tảng giáo dục đại học vững mạnh.”
- PGS.TS Hà Thanh Toàn, Giám đốc, Đại học Cần Thơ, Việt Nam – “Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ, hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Giáo dục đại học còn có vai trò quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, thúc đẩy hội nhập thị trường toàn cầu. Chính phủ cần tập trung nâng cao hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục đại học tại Việt Nam.
- Bà Alison Goddard, Biên tập viên (Giáo dục đại học), Tạp chí Chính sách và Thị trường giáo dục đại học, Vương quốc Anh – “Tại Vương quốc Anh, xu hướng ấn tượng nhất đối với tôi trong thời gian gần đây là quá trình ‘thị trường hóa’ giáo dục đại học. Thật đáng ngạc nhiên khi chính phủ dần dần chuyển từ mô hình hỗ trợ học phí sang mô hình cho vay và sinh viên sau này sẽ trả lại khoản vay này.”
- GS. Alison Halstead, Phó Hiệu trưởng (phụ trách Phát triển Chiến lược Đào tạo), Đại học Aston, Vương quốc Anh – “Điều tôi chia sẻ tại đối thoại là dự án hợp tác với Đại học Đà Nẵng, hướng tới thành lập Đại học Việt Nam – Vương quốc Anh. Chúng tôi đã có dịp chia sẻ kế hoạch chung, chương trình đào tạo và kế hoạch hợp tác với các nhà tuyển dụng với mong muốn tất cả sinh viên tốt nghiệp từ mái trường này đều có khả năng được tuyển dụng cao tại Việt Nam.”
- GS.TS Mya Oo, Nghị sỹ Hạ viện, Bí thư Giáo dục, Ủy ban Phát triển, Myanmar – “Chúng tôi muốn có một hệ thống giáo dục đại học mở và tự chủ.”
- Bà Sengdeuane Lachanthaboun, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao, Lào – “Ở Lào, sinh viên vẫn lựa chọn đại học và không coi trọng đào tạo nghề trong khi đất nước lại đang thực sự cần lao động tay nghề. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần đổi mới và tạo ra sự cân bằng về chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học và đào tạo nghề. Với giáo dục đại học, chúng tôi cũng phải cân bằng giữa các chuyên ngành dựa trên ưu tiên lựa chọn của sinh viên.”
- Bà Carolyn Campbell, Quản lý Quan hệ quốc tế, Cơ quan Quản lý chất lượng giáo dục đại học, Vương quốc Anh – “Nói về xếp hạng đại học là chỉ nói về 3-5% các trường đại học và sinh viên trên thế giới; trong khi đó, nói về bảo đảm chất lượng là chúng ta đang nói về việc bảo đảm chất lượng giáo dục cho 100% sinh viên trúng tuyển ở khắp nơi trên thế giới. Các cơ quan bảo đảm chất lượng có trách nhiệm cung cấp thông tin để giúp cho 100% sinh viên lựa chọn đúng đắn về trường mà họ muốn theo học, mang lại cho họ niềm tin rằng lựa chọn của họ sẽ mang lại một trải nghiệm chất lượng. Và kết quả cuối cùng là bằng cấp được nhà tuyển dụng công nhận hoặc được chấp nhận để học lên cao hơn.”
- Ông David Priestley, Giám đốc điều hành, Công ty TNHH Rolls-Royce Việt Nam – “Tại Việt Nam, điều khó khăn là hệ thống cơ sở hạ tầng đại học và thực trạng công tác nghiên cứu không có vị trí xứng đáng trong chương trình đại học. Với một trường đại học, điều chúng tôi tìm kiếm là danh tiếng hiện có của trường cũng như năng lực thực sự của họ trong một số chuyên ngành khoa học và công nghệ cụ thể mà Rolls-Royce có nhu cầu tìm hiểu thêm. Về mặt con người, chúng tôi tìm kiếm những người được trang bị những kỹ năng và công cụ phù hợp, cũng như kiến thức của họ về những công nghệ mà chúng tôi đang hướng tới. Vì vậy, danh tiếng và uy tín của trường trong việc thực hiện thành công những dự án nghiên cứu về những lĩnh vực chúng tôi quan tâm là điều quan trọng. Đây là yếu tố then chốt quyết định việc Rolls-Royce hợp tác với các trung tâm công nghệ của các trường đại học trên toàn thế giới. Tôi luôn trăn trở về việc làm sao chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học của Việt Nam thật sự rõ ràng trong việc thu hút các đối tác tầm cỡ thế giới như Đại học Aston, Hội đồng Anh và Rolls-Royce. Chiến lược đó cần phải khả thi và không quá phức tạp để có thể thu hút sự tham gia của các đối tác nói trên. Khi chưa có được cam kết chắc chắn của các cơ quan có thẩm quyền, rất khó để chúng tôi có thể đạt được điều gì hay đẩy mạnh nguồn lực đầu tư. Tôi nghĩ rằng cam kết, minh bạch và đơn giản hóa là những yếu tố then chốt.”
- PGS.TS Bùi Xuân Lâm, Phó Hiệu trưởng, Đại học Kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam – “Hợp tác quốc tế là một trong những con đường ngắn nhất để các trường đại học của Việt Nam tiếp cận chuẩn thế giới. Làm thế nào để tìm được một đối tác nước ngoài tốt là một trong những yếu tố then chốt để gây dựng danh tiếng cho trường. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu được nhu cầu, nhu cầu của chúng ta và nhu cầu của đối tác. Tiếp đó, việc cần làm là phát triển chương trình hợp tác và giải pháp để đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo liên kết.
- TS. Judy Halliday, Giám đốc cao cấp, phụ trách Liên kết Thương mại Khoa học, Công ty TNHH UniQuest, Đại học Queensland, Úc – “Công tác nghiên cứu và sáng tạo tại trường đại học thường là cả một quá trình dài và không đơn giản, đặc biệt ở giai đoạn đầu, để một kết quả nghiên cứu có thể trở thành một sản phẩm, một quy trình hay một cái gì đó cụ thể và hữu ích. Chúng ta phải kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, các trường đại học khác và có thể cả chính phủ nữa. Rất nhiều người và nhiều kỹ năng cần thiết cho quy trình này. Sẽ mất nhiều thời gian, công sức đầu tư, và tất nhiên là cả nhân lực dồi dào nữa.”
- Bà Caroline Chipperfield, Phó Giám đốc, phụ trách Giáo dục khu vực Đông Á, Hội đồng Anh – “Đó là những thách thức gì? Tiền, sinh viên hay làm thế nào để trở thành trường đại học xuất sắc và khác biệt trong số 16.000 trường đại học trên thế giới hiện nay.”
Nguồn: http://www.britishcouncil.vn/