GIỚI THIỆU KHOA HÀNH CHÍNH HỌC

I. Chức năng, nhiệm vụ

Khoa Hành chính học là đơn vị chuyên môn thuộc Học viện Hành chính Quốc gia có chức năng đào tạo trình độ đại học, sau đại học; tham gia bồi dưỡng các chuyên đề có liên quan trong chương trình bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học và tư vấn về khoa học hành chính, khoa học quản ly, lãnh đạo, khoa học chính sách và khoa học tổ chức; thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế; hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với mục tiêu, phương hướng phát triển của Học viện.

II. Cơ cấu tổ chức và nhân sự của Khoa

1. Về nhân sự

Khoa hiện có 33 viên chức (31/33 là giảng viên).

Trong đó có:  02 Phó Giáo sư; 20 Tiến sĩ; 10 Thạc sĩ; 01 Cử nhân.

Lãnh đạo của Khoa bao gồm:

Trưởng khoa: PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải

Phó Trưởng khoa:

- TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy

- TS. Bùi Thị Ngọc Hiền

- TS. Trương Quốc Việt

a1

Lãnh đạo bộ môn:

- TS. Lê Văn Hòa, Trưởng Bộ môn Khoa học chính sách

- TS. Trịnh Thị Thủy, Trưởng bộ môn Quản lý công

- TS. Hà Văn Hòa, Phó Trưởng bộ môn, phụ trách bộ môn Lịch sử hành chính

- TS. Hoàng Vĩnh Giang, Phó Trưởng bộ môn Quản lý và phát triển tổ chức

- TS. Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng bộ môn Khoa học chính sách

- TS. Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng bộ môn Quản lý công

2. Về bộ môn

Khoa có 04 bộ môn, bao gồm:

Bộ môn Quản lý công

Bộ môn Khoa học chính sách

Bộ môn Quản lý và Phát triển tổ chức

Bộ môn Lịch sử hành chính

III. Lịch sử hình thành và phát triển Khoa Hành chính học

Học viện Hành chính đã trải qua 65 năm xây dựng, phát triển và khẳng định vị trí là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Trong chặng đường xây dựng và phát triển đó, có một phần đóng góp rất quan trọng của Khoa Hành chính học, mà tiền thân là Khoa Quản lý Hành chính nhà nước với chặng đường 43 năm hình thành và phát triển.

Trước yêu cầu cấp bách về công tác đào tạo cán bộ, công chức hành chính nhà nước sau khi thống nhất đất nước, ngày 26/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 91/1981/QĐ-HĐBT về việc thành lập Trường Hành chính Trung ương (tách từ Trường Hành chính và Kinh tế trung ương).

Chức năng, nhiệm vụ của Trường Hành chính Trung ương lúc này là: (i) Giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao cấp, trung cấp; (ii) Tổ chức việc nghiên cứu khoa học quản lý nhà nước; và (iii) Chỉ đạo việc bồi dưỡng, đào tạo các loại cán bộ quản lý nhà nước thuộc các ngành, các cấp. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Trường Hành chính Trung ương được thiết lập các đơn vị chức năng và chuyên môn. Đơn vị chuyên môn của Trường gồm ba khoa là: Khoa Lý luận cơ sở, Khoa Luật và Khoa Quản lý hành chính nhà nước.

Khi mới thành lập, Khoa Quản lý hành chính nhà nước chỉ có 04 giảng viên và được giao nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy các nội dung về quản lý hành chính nhà nước, soạn thảo văn bản quản lý hành chính nhà nước và tâm lý lãnh đạo. Đồng thời, Khoa có nhiệm vụ mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài về giảng dạy các chuyên đề về quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực. Tài liệu giảng dạy của Khoa chủ yếu dựa vào các bài giảng của chuyên gia nước ngoài (Liên Xô cũ) đến giảng dạy trực tiếp cho những khóa bồi dưỡng Trung – cao cấp đầu tiên ở Việt Nam.

Sau khi cả nước bước vào công cuộc đổi mới, Trường Hành chính Trung ương được thay đổi tên gọi và cơ cấu tổ chức cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của thời kỳ mới. Tên mới của Trường lần lượt là: Trường Hành chính Quốc gia (năm 1990) và Học viện Hành chính Quốc gia (năm 1992). Theo đó, Khoa Khoa học hành chính được tổ chức lại theo Quyết định số 145/HVHC-TCCB ngày 30/6/1995 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Theo quyết định này, Khoa Khoa học Hành chính có 3 bộ môn: Bộ môn Lý luận hành chính; Bộ môn Văn bản và Kỹ thuật hành chính; Bộ môn Quản lý đô thị và nông thôn.

Trong khoảng 3 năm từ 1994 đến năm 1997, Khoa Khoa học hành chính tập trung vào việc kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nhân sự và hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.

Từ năm 1998, Khoa Khoa học hành chính được giao nhiệm vụ giảng dạy các chuyên đề về quản lý hành chính nhà nước, công vụ công chức, cải cách hành chính, kiểm soát hành chính trong chương trình bồi dưỡng chuyên viên và chuyên viên chính, đồng thời đảm nhiệm một số môn học trong chương trình đào tạo đại học hành chính giai đoạn 2, đại học hành chính chính qui và tại chức, Cao học chuyên ngành quản lý hành chính công, tiến sĩ chuyên ngành Quản lý công.

Dấu mốc quan trọng về sự trưởng thành và phát triển không ngừng của Khoa Khoa học hành chính và sau này là Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự là Quyết định 234/2003/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/11/2003 qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tách Bộ môn Tổ chức và quản lý nhân sự thành Khoa độc lập với tên gọi Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, còn Khoa Khoa học hành chính đổi tên thành Khoa Hành chính học. Khoa Khoa học hành chính tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy các nội dung lý luận về quản lý công, hành chính công, chính sách công, tâm lý quản lý, lịch sử hành chính. Khoa Tổ chức va Quản lý nhân sự tập trung vào giảng dạy và nghiên cứu về các vấn đề thuộc khoa học tổ chức, quản lý nguồn nhân lực, công vụ, công chức.

Cùng với những đổi mới chung của Học viện trong xu thế cải cách hành chính, tinh gọn đầu mối để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng và tăng tính chuyên môn hóa trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, ngày 23/01/2018, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Trên cơ sở điều chỉnh lại cơ cấu các đơn vị thuộc và trực thuộc của Học viện theo Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg, Khoa Khoa học hành chính và Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự được hợp nhất với tên mới là Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự.

Thực hiện Quyết định số 699/QĐ-BNV ngày 16/9/2022 về việc phê duyệt Đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia và Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ. Theo đó, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự được tổ chức lại thành Khoa Hành chính học.

Hiện nay, Khoa Hành chính học được tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 59/QĐ-HCQG ngày 18/01/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khoa Hành chính học.

Khoa Hành chính học với bề dày 43 năm xây dựng và phát triển, cùng với vị thế 65 năm của Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành Quản lý nhà nước (trước đây là hành chính học). Đội ngũ giảng viên cơ hữu giàu kinh nghiệm, đã kinh qua đào tạo và xây dựng, biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu cho các bậc, hệ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Đội ngũ giảng viên kiêm chức của Khoa có trình độ cao và giàu kinh nghiệm thực tế là lãnh đạo, quản lý của bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học từ các Viện Nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước đã tạo nên uy tín và thương hiệu, chất lượng đào tạo cử nhân ngành quản lý nhà nước, thạc sĩ quản lý công, thạc sĩ chính sách công, tiến sĩ quản lý công của Học viện.

IV. Các thành tích và hoạt động tiêu biểu của Khoa

1. Hoạt động giảng dạy

Đối với hệ đào tạo, Khoa được giao quản lý chuyên môn các ngành đào tạo:

- Đào tạo đại học ngành Quản lý nhà nước

- Đào tạo thạc sĩ định hướng ứng dụng ngành Quản lý công

- Đào tạo tiến sĩ ngành Quản lý công

Các giảng viên của Khoa tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo do Khoa phụ trách chuyên môn và các chương trình đào tạo của các ngành, chuyên ngành khác trong Học viện.

Đối với hệ bồi dưỡng, Khoa tham gia biên soạn tài liệu, giảng dạy các chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, lãnh đạo quản lý cấp huyện, cấp sở, cấp vụ và các chương trình bồi dưỡng theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị.

2. Nghiên cứu khoa học

- Trong 5 năm gần đây, Khoa đã chủ trì thực hiện các đề tài khoa học cấp nhà nước, đề tài cấp tỉnh, đề tài cấp bộ, đề tài cấp cơ sở, cấp cơ sở trọng điểm cùng nhiều chuyên đề cấp bộ môn; Biên soạn hơn 50 giáo trình đào tạo đại học; 01 giáo trình đào tạo tiến sĩ và 7 giáo trình đào tạo thạc sĩ. Biên soạn lại  01 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên; 06 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; 05 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp; 01 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng; 03 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp vụ, 03 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp sở, 03 chuyên đề thuộc chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp huyện. Biên soạn 27 tình huống phục vụ bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp và bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, huyện.

Các giảng viên trong Khoa đã làm chủ biên, đồng chủ biên, tham gia viết khoảng 40 cuốn sách chuyên khảo dùng trong chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ; 01 sách chuyên khảo dùng trong chương trình đào tạo Tiến sĩ; công bố hơn 200 bài viết có chất lượng trên các tạp chí trong và ngoài nước có uy tín. Đây là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy và học tập ở nhiều hệ đào tạo và bồi dưỡng của Học viện.

Khoa đã tổ chức thành công nhiều hội thảo và toạ đàm khoa học, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy với đa dạng các chủ đề về cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương, tinh giản biên chế, quản lý công chức theo vị trí việc làm, phân cấp quản lý, quản trị công trong bối cảnh mới… Nhiều giảng viên của Khoa tham gia tích cực và trình bày báo cáo khoa học tại các Hội thảo quốc tế.

3. Các hoạt động khác

 Song song với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Khoa còn quan tâm đến đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên. Khoa đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể cho từng giảng viên, phân công giảng viên có kinh nghiệm hướng dẫn các giảng viên giảng bắt đầu tham gia các chuyên đề của các hệ bồi dưỡng, cử các giảng viên đi học các lớp bồi dưỡng về chuyên môn cũng như phương pháp giảng dạy, tổ chức các buổi sinh chuyên môn tại các Bộ môn. Hàng năm Khoa đều tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi thực tế để bổ sung kiến thức thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy.

Ngoài nhiệm vụ chính trị là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tất cả các giảng viên trong Khoa cũng thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, nhất là tích cực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác quần chúng, công tác thi đua xây dựng nếp sống văn hóa công sở, các phong trào văn, thể, mỹ và các phong trào từ thiện xã hội…

Công đoàn khoa, Liên chi đoàn, Liên chi hội của Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào có ý nghĩa nghĩa để gắn kết viên chức, tạo môi trường học tập, trải nghiệm thú vị cho sinh viên, học viên. Các hoạt động tiêu biểu như: định kỳ hàng năm tổ công đoàn Khoa tổ chức kỳ nghỉ hè tại Cửa Lò, Đồ Sơn, Ninh Bình, các sinh hoạt chuyên đề kết hợp tham qua, báo cáo thực tế tại các cơ quan, đơn vị. Liên chi đoàn, Liên chi hội sinh viên của Khoa tổ chức các đoàn tham quan thực tế tại Nhà Quốc hội, Trung tâm lưu trữ Quốc gia, Khu di tích lịch sử K9, Chương trình Quốc hội giả định, nói chuyện chuyên đề kiến thức, kỹ năng cho sinh viên trong thời đại 4.0…

4. Các hình thức khen thưởng:

Sự nỗ lực phấn đấu của tập thể giảng viên, người lao động của Khoa Hành chính học, những năm qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Học viện Hành chính Quốc gia. Sự nỗ lực không ngừng trong suốt 43 năm qua của Khoa đã được ghi nhận qua những danh hiệu thi đua do cấp trên trao tặng. Nhiều năm liền, Khoa đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc.

Một số thành tích tiêu biểu của tập thể Khoa:

- Năm 2017, 2018, 2019, 2020 đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc

- Năm 2018, 2020 đạt danh hiệu Cờ thi đua cấp bộ

- Năm 2020 đạt danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ

- Năm 2019, được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

- Năm 2019, được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

- Năm 2021, được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

- Năm 2023, được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Một số thành tích tiêu biểu của các giảng viên, viên chức trong Khoa:

Về cá nhân, tất cả các giảng viên của khoa hàng năm đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Nhiều giảng viên của Khoa có 3-5 năm liền được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, được Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen; Bằng khen, Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ. Một số thành tích tiêu biểu như:

- Năm 2019, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 06/6/2019.

- Năm 2020, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ theo Quyết định số 1142/QĐ-BNV ngày 29/12/2020.

- Năm 2022, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc theo Quyết định số 843/QĐ-BNV ngày 15/7/2022 của Thủ tướng chính phủ.

- Năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa được tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Hội nghị Điển hình tiên tiến toàn quốc.

- Năm 2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.

- Năm 2016, TS. Trương Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Hành chính học, được tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.

- Năm 2019, TS. Trương Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Hành chính học, được tuyên dương Giảng viên trẻ tiêu biểu cấp trung ương.

Tự hào với những thành tích đạt được trong chặng đường hơn 43 năm qua, Khoa Hành chính học sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để ngày càng xứng đáng với vị thế của Học viện Hành chính Quốc gia – Trung tâm Quốc gia về nghiên cứu khoa học Hành chính, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho Đảng và Nhà nước.

5.  Định hướng phát triển của Khoa trong thời gian tới

Chặng đường xây dựng và phát triển, Khoa đã khẳng định được vị thế của mình là đơn vị đảm nhận những nội dung đào tạo, bồi dưỡng cốt lõi của Học viện. Trên chặng đường tiếp theo, định hướng phát triển của Khoa sẽ tập trung vào (i) Chú trọng phát triển trình độ, năng lực chuyên môn cho toàn thể giảng viên, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 80% giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên; đồng thời tạo môi trường để phát huy lợi thế của đội ngũ giảng viên trẻ, được đào tạo bài bản từ môi trường trong nước và quốc tế trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố các công trình quốc tế; (ii) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học dưới tất cả các hình thức: nghiên cứu đề tài khoa học, hội thảo, tọa đàm, báo cáo chuyên đề…thu hút sự tham gia của tất cả các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện; (iii) Xây dựng môi trường làm việc tích cực, khẳng định những giá trị tốt đẹp và đúng đắn, đoàn kết, gắn bó vì sự phát triển chung của Khoa.

V. Một số hình ảnh hoạt động của Khoa

a2

Giảng viên và sinh viên, học viên Khoa Hành chính học trong lễ khai giảng

a3

Khoa nhận cờ thi đua của Chính phủ năm 2020

a4

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Hành chính học tham gia điều hành phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị Eropa 2023

a5

Các giảng viên Khoa Hành chính học tham dự Hội nghị Eropa 2023

a6

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa Hành chính học được tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, năm 2023

a7

Hoạt động của tổ công đoàn khoa, gắn kết yêu thương 

a8

Khoa thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn

a9

Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt học thuật thường xuyên được Khoa tổ chức

a10

a11

Sôi nổi các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên do Khoa tổ chức

a12

Hoạt động thực tế của học viên cao học ngành Quản lý công, chính sách công

a13

Hoạt động tham quan Nhà Quốc hội của sinh viên ngành Quản lý nhà nước

a14

Sinh viên nhận giấy khen và phần thưởng tham gia nghiên cứu khoa học

a15

Sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ của sinh viên ngành Quản lý nhà nước, học viên ngành Quản lý công, Chính sách công

a16

Giải thể thao sinh viên, học viên

a17

Hoạt động dã ngoại của Câu lạc bộ sinh viên Hành chính

a18

Thầy, Cô giáo và sinh viên, học viên gặp mặt đầu xuân

a19

Liên chi đoàn Khoa Hành chính học tổ chức thiện nguyện Lạng Sơn năm 2023

a20

Chương trình Quốc hội giả định do câu lạc bộ hành chính tổ chức

a21

a22

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của sinh viên Khoa Hành chính học

Khoa Hành chính học

Comments are closed.