“Học viện Hành chính Quốc gia luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các lưu học sinh Lào học tập tại Học viện”

(napa.vn) – Đó là lời khẳng định của TS. Nguyễn Đăng Quế – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện tại buổi phỏng vấn của Phóng viên Chansamone Vongsod – Đài Truyền hình Quốc gia Lào sau buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện của nghiên cứu sinh Sinnakhone Doungbandith.

Như tin đã đưa, sáng ngày 14/7/2021, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Lễ bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện chuyên ngành Quản lý công cho nghiên cứu sinh Sinnakhone Doungbandith với đề tài “Chất lượng đội ngũ công chức tại các Ban Tổ chức Tỉnh ủy nước CHDCND Lào”, buổi Lễ có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia và Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào theo hình thức trực tuyến giữa điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội và Thủ đô Viên Chăn.

Ngay sau khi nghiên cứu sinh Sinnakhone Doungbandith bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ trước Hội đồng đánh giá cấp Học viện, Phóng viên Chansamone Vongsod của Đài Truyền hình Quốc gia Lào đã có buổi phỏng vấn đối với TS. Nguyễn Đăng Quế và các thầy cô giáo của Học viện Hành chính Quốc gia.

IMG-6335

Phóng viên Chansamone Vongsod đặt câu hỏi cho TS. Nguyễn Đăng Quế

Trả lời câu hỏi của Phóng viên Chansamone Vongsod đặt ra: “Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, Học viện đã có những chính sách như thế nào đối với nghiên cứu sinh, sinh viên Lào đã và đang học tập tại Học viện Hành chính Quốc gia”, Phó Giám đốc Nguyễn Đăng Quế cho biết, từ năm 2007 đến nay, khi Chính phủ hai nước có Hiệp định hợp tác giữa hai nước, Học viện Hành chính Quốc gia là một trong số các cơ sở đào tạo được Chính phủ Việt Nam giao trọng trách đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên và cán bộ, công chức cho nước CHDCND Lào. Tính đến thời điểm hiện tại, Học viện đã và đang đào tạo 22 nghiên cứu sinh của nước bạn Lào anh em (tính đến ngày hôm nay có 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ). Trong quá trình học tập và nghiên cứu, các nghiên cứu sinh nói riêng và các bạn lưu học sinh Lào học tập tại Học viện nói chung luôn được quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và tham gia trong các hoạt động chung của Học viện, thông qua đó thể hiện tình cảm hữu nghị bền chặt và nâng cao khả năng tiếng Việt.

IMG-6338

TS. Nguyễn Đăng Quế trả lời câu hỏi của phóng viên

TS. Nguyễn Đăng Quế chia sẻ, để nâng cao chất lượng học tập, các bạn lưu học sinh Lào cần chủ động, nâng cao hơn nữa năng lực tiếng Việt để tiếp thu hiệu quả các kiến thức được truyền đạt. Nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về học tập và sinh hoạt tại Việt Nam và Học viện. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, các bạn cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Chính phủ Việt Nam và Học viện; các bạn cần chủ động thích ứng với việc nghiên cứu, học tập theo hình thức trực tuyến để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo chương trình, tiến độ học tập. Học viện luôn quan tâm và dành mọi điều kiện để các lưu học sinh Lào học tập tại Học viện được học tập, sinh hoạt trong môi trường an toàn nhất, Học viện và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Học viện thường xuyên tiến hành công tác vệ sinh, phun khử khuẩn, đảm bảo giãn cách và hỗ trợ các sinh hoạt thường nhật để các bạn vượt qua đại dịch…Trong bối cảnh hiện tại, nếu các bạn còn khó khăn gì, các bạn cứ chủ động đề xuất với Học viện, Học viện sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa. Phó Giám đốc Học viện cũng dành lời khuyên tới các bạn lưu học sinh Lào trong bối cảnh dịch Covid-19, các bạn nên ở nguyên tại chỗ, ai đang ở Lào thì thực hiện học tập trực tuyến, ai ở Việt Nam thì tiếp tục học tập tại Học viện để đảm bảo an toàn.

Phó Giám đốc Học viện mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục được hợp tác với các bạn Lào, đồng thời Thầy cũng gửi lời chúc cho tình hữu nghị giữa 2 nước phát triển vững mạnh.

Phóng viên Chansamone Vongsod cũng dành câu hỏi cho PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Người hướng dẫn khoa học của nghiên cứu sinh: “Thầy có nhận xét như thế nào về năng lực, thái độ học tập của nghiên cứu sinh”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh chia sẻ, ban đầu khi nhận nhiệm vụ, bản thân chúng tôi thấy cũng có một số khó khăn vì đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh là một đề tài khó, có tính cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn, xác lập tính khoa học đối với đội ngũ công chức làm công tác tổ chức ở các Ban Tổ chức Tỉnh ủy của Lào. Tuy nhiên, cũng rất may nghiên cứu sinh là một người có khả năng tiếng Việt rất tốt giúp cho quá trình nghiên cứu và học tập có nhiều thuận lợi.

IMG-6341

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh trả lời câu hỏi của phóng viên

Trong quá trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh đã thể hiện là người chịu khó, cầu thị, tiếp thu tốt những hướng dẫn của người hướng dẫn, thực hiện đúng thời hạn, thể hiện khả năng nghiên cứu độc lập tốt, có chính kiến về những vấn đề nghiên cứu, là người nghiên cứu nghiêm túc và có trách nhiệm.

Kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh thể hiện rất rõ qua kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá luận án hôm nay, những nhận định của các nhà khoa học trong Hội đồng rất khách quan, đầy đủ, chỉ ra những ưu điểm và chỉ rõ những hạn chế. Chúng tôi sẽ làm việc với nghiên cứu sinh để hoàn thiện luận án để kết quả nghiên cứu có thể vận dụng vào công việc trong công tác, đồng thời có những đóng góp vào sự phát triển của Ban Tổ chức Tỉnh ủy các địa phương nói riêng và đất nước Lào nói chung.

IMG-6344

Phóng viên Chansamone Vongsod đặt câu hỏi cho PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải

Phóng viên Chansamone Vongsod cũng đã đặt câu hỏi cho PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh: “Cô nhận xét về đề tài của nghiên cứu sinh có tính ứng dụng như thế nào?”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải nhấn mạnh, khi đánh giá luận án, Hội đồng đánh giá trên hai phương diện lý luận và thực tiễn. Đề tài của nghiên cứu sinh Sinnakhone Doungbandith có tính ứng dụng cao, thể hiện qua các nhận xét của các nhà khoa học trong Hội đồng, luận án đánh giá đầy đủ thực trạng với số liệu minh chứng rõ nét, giúp Ban Tổ chức Tỉnh ủy các địa phương của Lào nghiên cứu để đề xuất biện pháp, chính sách nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ công chức công tác tại các đơn vị.

Thông qua 6 nhóm giải pháp nghiên cứu sinh đề xuất trong luận án, đây có thể là gơi ý chính sách để các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng hệ thống chính sách và có những biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Lào.

IMG-6346

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên

Về mặt ứng dụng, nghiên cứu sinh đã thành công trong xây dựng khung lý thuyết để đánh giá chất lượng đội ngũ công chức Ban Tổ chức Tỉnh ủy các địa phương, trên cơ sở đó các cơ quan khác trong hệ thống chính trị tại Lào có thể sử dụng để đánh giá đội ngũ công chức của mình. Với hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra, luận án là nguồn  tham khảo hữu ích cho các đối tượng học tập, nghiên cứu ở cả Việt Nam và Lào, có tính gợi mở cho những nghiên cứu sinh tương lai khi làm luận án về lĩnh vực tương tự. Luận án khi được chỉnh sửa theo nhận xét của Hội đồng sẽ có đóng góp cụ thể, thiết thực hơn đối với các Ban Tổ chức Tỉnh ủy của Lào và đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Lào.

Trải qua 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia không ngừng trưởng thành và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, trở thành một trong hai trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của Việt Nam, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc tế trong đó đào tạo cho nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và nước CHDCND Lào, nguồn nhân lực này đã và đang trở thành nguồn nhân lực quý báu trong công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước Lào. Học viện Hành chính Quốc gia đã đào tạo nhiều cán bộ trở thành người đứng đầu trong bộ máy chủ chốt, lãnh đạo và đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và Lào, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, phát triển mối quan hệ Lào – Việt Nam đời đời bền vững./.

Trần Trung

Comments are closed.