(napa.vn) – Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) là tổ chức đầu tiên trong khu vực đặc biệt coi trọng việc phát triển nền hành chính công nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong các nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương; đồng thời, là diễn đàn trao đổi thông tin và ý tưởng về cách tiếp cận đổi mới, hướng tới một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và minh bạch. Trong hơn 30 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia đã tham gia tích cực và khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín trong các hoạt động của Tổ chức này. Theo đề nghị của EROPA và được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 16/10 – 20/10/2023, Học viện Hành chính Quốc gia vinh dự được đăng cai Hội nghị thường niên EROPA với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Giới thiệu về Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới EROPA
Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) chính thức thành lập năm 1960, đáp ứng với mong muốn chung của các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực thông qua hợp tác trong nghiên cứu phát triển lý thuyết, cải thiện hệ thống và thực tiễn hành chính công và quản lý công của các quốc gia. EROPA rất coi trọng việc phát triển nền hành chính công để nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong các nước khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Đồng thời, EROPA là diễn đàn trao đổi thông tin và ý tưởng về cách tiếp cận đổi mới hướng tới một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả và minh bạch.
EROPA bao gồm thành viên từ các quốc gia, các tổ chức và cá nhân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 10 thành viên cấp nhà nước, 58 thành viên là các viện, học viện hay các trường hành chính công, trường đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công được công nhận. Ngoài ra, EROPA còn có 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân.
Nỗ lực của EROPA nhằm đạt được các mục tiêu đề ra thể hiện trong các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chương trình đào tạo, nghiên cứu, khảo sát và ấn phẩm đã xuất bản. Hoạt động của EROPA được thực hiện ở trụ sở chính của Tổ chức tại Manila và ở 3 trung tâm trong khu vực là: Trung tâm Quản lý Phát triển EROPA tại Kyenggi-do, Hàn Quốc; Trung tâm Quản lý Khu vực EROPA ở Tokyo, Nhật Bản và Trung tâm Đào tạo EROPA ở New Delhi, Ấn Độ.
EROPA hoạt động hướng tới các mục tiêu: (1) Thúc đẩy thực tiễn và ứng xử tốt trong hành chính công và quản lý công trong khu vực, nhằm cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn cao cho các chính phủ và người dân; (2) Nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của nền hành chính hiệu lực và hiệu quả; (3) Phát triển và thúc đẩy nghiên cứu về hành chính công; (4) Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực hành chính công; (5) Phát triển chất lượng lãnh đạo và năng lực quản lý, đặc biệt ở cấp độ lãnh đạo, quản lý cao cấp và trung cấp.
Để thực hiện các mục tiêu trên, EROPA tiến hành nhiều hoạt động, như: (1) Tổ chức các hội nghị quốc tế và hội nghị liên khu vực; (2) Thành lập các ủy ban nghiên cứu, thực hiện các nghiên cứu và xuất bản các tài liệu nghiên cứu khoa học; (3) Thiết lập và duy trì trung tâm thông tin chính thức, tổ chức cung cấp và trao đổi thông tin; (4) Liên kết và hợp tác với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực hành chính công; (5) Thành lập các trung tâm đào tạo chuyên môn và tiến hành các chương trình đào tạo; (6) Xây dựng các chi nhánh thành viên của EROPA tại các quốc gia; (7) Thực hiện các chương trình trao đổi giữa các nhà thực tiễn, giảng viên đại học, các nhà nghiên cứu và sinh viên hành chính công và quản lý công…
Là một trong những tổ chức hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, EROPA được mạng lưới trực tuyến các Viện khu vực về xây dựng năng lực hành chính và tài chính (UNPAN) của Liên Hiệp quốc chính thức công nhận là trung tâm khu vực trực tuyến. Do đó, EROPA được coi là một cộng tác viên của UNPAN ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có vai trò cung cấp những thông tin, cơ sở dữ liệu cập nhật về tình hình phát triển hành chính công trong khu vực.
Cơ cấu của EROPA, gồm: Đại Hội đồng, Hội đồng Điều hành và Ban Thư ký. Ngoài ra, để thúc đẩy các thực tiễn tốt trong hành chính công và quản lý công, EROPA còn điều phối các trung tâm kỹ thuật chuyên ngành, đó là Trung tâm Quản lý Phát triển, Trung tâm Đào tạo và Trung tâm Quản trị địa phương. Các trung tâm này có quyền tự chủ cao trong hoạt động. Người đứng đầu các trung tâm có thể đưa ra các sáng kiến tăng cường năng lực của trung tâm, kể cả huy động tài trợ từ các tổ chức và cá nhân.
Sự tham gia của Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam vào EROPA
Là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia trở thành thành viên cấp nhà nước của EROPA từ năm 19911. Hơn 30 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia tham gia tích cực và khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín trong các hoạt động của EROPA. Hằng năm, Học viện Hành chính Quốc gia đều cử các đoàn cán bộ lãnh đạo, giảng viên Học viện tham gia và trình bày tham luận tại Hội nghị thường niên của EROPA. Đặc biệt, Học viện Hành chính Quốc gia đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công Hội nghị EROPA vào các năm: 1997, 2005 và 2014. Hiện tại, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện là Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA.
Theo đề nghị của EROPA và được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7202/VPCP-QHQT ngày 19/9/2023 của Văn phòng Chính phủ, năm 2023, Học viện Hành chính Quốc gia được vinh dự đăng cai Hội nghị thường niên EROPA với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, từ ngày 16/10 – 20/10/2023.
Việc EROPA đề nghị Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam đăng cai Hội nghị thường niên EROPA 2023 khẳng định sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế và khu vực đối với vai trò tích cực của Việt Nam nói chung, của Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng trong cộng đồng các tổ chức, các nhà khoa học và thực tiễn hành chính công quốc tế. Việc đăng cai EROPA 2023 thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của Học viện Hành chính Quốc gia với tư cách là thành viên cấp Nhà nước của tổ chức EROPA.
Học viện Hành chính Quốc gia đăng cai Hội nghị EROPA 2023 dưới sự chủ trì của Bộ Nội vụ tạo cơ sở để triển khai hiệu quả, thực chất đường lối đối ngoại của Đảng tại Chỉ thị số 25/CT-TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó xác định: “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hiệp quốc”. Đây cũng là cơ hội để Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính Quốc gia hòa nhập sâu hơn vào các diễn đàn hành chính công quốc tế, qua đó đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Bộ Nội vụ, góp phần thực hiện Đề án đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 của Bộ Nội vụ (tại Quyết định số 455/QĐ-BNV ngày 23/9/2021), trong đó có nhiệm vụ thứ nhất của Chương trình hành động về đăng cai các hội nghị quốc tế, ứng cử, đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, xác định rõ yêu cầu giao Học viện đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới vào năm 2023.
Mặt khác, Học viện Hành chính Quốc gia đăng cai Hội nghị EROPA 2023 dưới sự chủ trì của Bộ Nội vụ cũng là cơ hội để Bộ Nội vụ và Học viện giới thiệu với cộng đồng quốc tế thành tựu của quá trình đổi mới và cải cách hành chính, cải cách công vụ, đổi mới quản trị quốc gia của Việt Nam; quảng bá quốc tế hình ảnh về đất nước và nền công vụ Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ; củng cố mối quan hệ đối tác quốc tế bền vững, đồng thời, tạo diễn đàn để các học giả và các nhà thực tiễn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm quản lý hành chính công và quản trị công, phát triển năng lực cán bộ, công chức.
Nội dung, chương trình Hội nghị EROPA 2023 tại Việt Nam
Hội nghị diễn ra dưới hình thức các phiên khai mạc và bế mạc toàn thể và các phiên họp với các tiểu chủ đề khác nhau. Phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị có sự tham gia và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng đại diện các bộ, ngành chức năng có liên quan đến chủ đề Hội nghị. Phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao của 9 thành viên cấp quốc gia thuộc EROPA cùng khoảng 300 đại biểu quốc tế và 200 đại biểu là các học giả, các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành trong nước, lãnh đạo, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia. Ngoài các phiên toàn thể, 170 tham luận của các học giả, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các quốc gia khác nhau trong và ngoài khu vực đã đăng ký trình bày tại Hội nghị.
Chủ đề chính của Hội nghị EROPA 2023 tại Việt Nam là “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. Việc lựa chọn chủ đề được đưa ra trong bối cảnh quản trị công tốt được xác định là nhân tố quyết định thành công của các quốc gia. Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu về thể chế, luật pháp và khả năng lãnh đạo của các quốc gia; đồng thời, cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa năng lực quản trị quốc gia và khả năng quản lý khủng hoảng cũng như sự phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia. Quản trị công tốt giúp cải thiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Sự tin tưởng của Nhân dân cũng khiến Chính phủ hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, các quốc gia cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững để tiếp tục phát triển và bắt kịp đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Việc xây dựng và tổ chức triển khai thành công các chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản trị công của mỗi quốc gia. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu tiếp tục nghiên cứu vai trò của “quản trị công” trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, để từ đó xây dựng các mô hình quản trị hiệu quả, phù hợp với đặc thù của khu vực và của mỗi quốc gia. Đồng thời, thông qua Hội nghị, các tổ chức thành viên của EROPA có thể xây dựng kế hoạch hợp tác nâng cao năng lực quản trị của công chức lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế – xã hội.
Ba tiểu chủ đề được thảo luận sâu trong Hội nghị bao gồm:
Tiểu chủ đề 1: Thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội: những vấn đề đặt ra và yêu cầu đổi mới quản trị công.
Gồm các vấn đề về thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia: cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với quản trị công, ý nghĩa của quản trị công và các yếu tố ảnh hưởng tới quản trị công, quan hệ giữa quản trị công với phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, yêu cầu đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy quản trị công nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, xu thế phát triển của quản trị công trên thế giới và trong khu vực. Đồng thời, tiểu chủ đề này cũng tạo điều kiện để các học giả, các nhà khoa học, nhà quản lý trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong đổi mới quản trị công nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, quản trị công vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tiểu chủ đề 2: Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đề cập nội dung về yêu cầu đổi mới tư duy quản trị với những thách thức đặt ra đối với tư duy và mô hình quản lý nhà nước truyền thống, đồng thời, tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo yêu cầu đổi mới quản trị công, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ vì mục tiêu quản trị công tốt; đổi mới phân cấp, phân quyền giữa trung ương – địa phương và sự phối hợp giữa trung ương và địa phương theo yêu cầu quản trị công tốt; thực tiễn thực hiện công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình đáp ứng yêu cầu quản trị công tốt, huy động sự tham gia của người dân và các chủ thể trong xã hội hướng tới mục tiêu quản trị công tốt, xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác để thúc đẩy quản trị công tốt, kiểm soát tham nhũng trong quản trị công, đổi mới cung ứng dịch vụ công đáp ứng yêu cầu quản trị công tốt, áp dụng công nghệ và chuyển đổi số thúc đẩy quản trị công tốt…
Tiểu chủ đề 3: Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Nội dung nhấn mạnh tới bản chất đa chủ thể, đa trung tâm và nhiều cấp độ của quản trị công, với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Tiểu chủ đề này tập trung vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội: cơ hội, thách thức và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao năng lực quản trị công của lãnh đạo, quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu quản trị công tốt, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, nâng cao năng lực quản trị công và hợp tác quốc tế trong xây dựng năng lực quản trị công tốt đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và phát triển bền vững…
Đặc biệt, với tư cách nước chủ nhà, Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì một phiên thảo luận với chủ đề “Đổi mới quản trị địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững: kinh nghiệm quốc tế và các giá trị tham khảo đối với Việt Nam”. Thông qua phiên thảo luận này, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, phân tích và đưa ra những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong đổi mới quản trị công nói chung và đổi mới quản trị địa phương nói riêng.
EROPA là tổ chức hành chính khu vực có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động năng động và chuyên nghiệp. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, EROPA luôn kiên định với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hành chính công và quản trị công trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mở đường cho những thay đổi lớn, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực hành chính công và quản trị công trong khu vực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các xu hướng toàn cầu hóa, đa cực hóa, phát triển hòa bình đã thể hiện đặc biệt rõ nét tại châu Á – Thái Bình Dương, đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực năng động và giàu tiềm năng nhất trên thế giới. Việc Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam đăng cai Hội nghị EROPA 2023 với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, cùng các tiểu chủ đề xác định cho hoạt động của Hội nghị lần này “thêm một lần nữa chứng tỏ tinh thần hợp tác chặt chẽ, sự thống nhất ý chí của các nhà hành chính công, các tổ chức và cá nhân thành viên của EROPA hướng tới sự phát triển bền vững cho mỗi quốc gia và cho toàn khu vực”.2