(napa.vn) – Thực hiện kế hoạch được Giám đốc Học viện phê duyệt, sáng ngày 29/10/2020, tại Phòng Truyền thống, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự (Khoa) tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa Học viện Trung tâm tại Hà Nội với 03 Phân viện tại TP.Huế, khu vực Tây Nguyên và tại TP.Hồ Chí Minh. TS. Nguyễn Đăng Quế – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện dự và phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện: PGS.TS. Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; Ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; TS. Đào Thị Hoài Thu – Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương; TS. Phạm Sỹ An – Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Vũ Thị Loan – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Hải Phòng. Về phía Khoa có PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng khoa; TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó trưởng khoa cùng các giảng viên của Khoa; đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện.
TS. Nguyễn Đăng Quế phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quế nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo, sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học thể hiện vai trò quan trọng của Hội thảo. Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cải cách hành chính nhà nước luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng, là điều kiện tiên quyết, yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế – xã hội quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong xu thế hội nhập, sự cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ, gay gắt ở mọi mặt của đời sống, trong đó có cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là mục tiêu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn coi trọng và đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị thực hiện chức năng nghiên cứu và giảng dạy về khoa học hành chính, trong đó có cải cách hành chính nhà nước, Hội thảo được tổ chức là dịp để các nhà khoa học cùng thảo luận, trao đổi các ý kiến nhằm làm rõ thêm các nội dung và thành tựu đạt được trong công cuộc cải cách hành chính nhà nước và đề xuất những định hướng cho giai đoạn cải cách tiếp theo cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tiến nhanh, bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải khẳng định: trong quá trình triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Đánh giá kết quả phát triển kinh tế – xã hội 10 năm qua, chúng ta có thể thấy những đóng góp nhất định của cải cách hành chính gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh có sự cải thiện liên tục, đặc biệt chỉ số năng lực cạnh tranh 2019 có sự cải thiện ấn tượng (tăng 10 bậc so với năm 2018) nhưng Việt Nam vẫn nằm ở nhóm dưới trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, và ngay cả trong khối ASEAN, chúng ta cũng chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Vì vậy, việc xác định những giải pháp cải cách hành chính hiệu quả, mang tính bứt phá, từ đó cải thiện rõ rệt khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia trên phạm vu toàn cầu, và đặc biệt là trong ASEAN là vấn đề cốt lõi, cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học. Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận vào các nội dung: (1) Lý luận về cải cách hành chính nhà nước nói chung nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (2) Những vấn đề lý luận và thực tiễn về cải cách các yếu tố cấu thành của nền hành chính nhà nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (3) Kinh nghiệm cải cách hành chính của một số quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển tham luận tại Hội thảo
Với tham luận “Chỉ số quản trị và cải cách hành chính Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đã trình bày và làm nổi bật tính tất yếu của cải cách hành chính cũng như đánh giá hiệu quả cải cách hành chính và các chỉ số đo lường. Theo Giáo sư, hiện nay Việt Nam đang sử dụng 04 chỉ số để đánh giá kết quả cải cách hành chính, bao gồm: chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Việc sử dụng các chỉ số này mang lại những kết quả: (1) tính minh bạch trong đo lường kết quả công vụ; (2) các chỉ số là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động điều hành của các tổ chức, nhất là bộ phận lãnh đạo, người đứng đầu; (3) quan hệ nhà nước công dân theo hướng giảm nhẹ thủ tục và chi phí trong dịch vụ hành chính đối với công dân; (4) giúp cho công việc kiểm soát chất lượng công vụ và công chức tự đánh giá chất lượng công vụ; (5) làm quen và hòa nhập với phong cách quản trị hành chính trong hội nhập và phát triển.
Ông Phạm Minh Hùng tham luận tại Hội thảo
Với tư cách đơn vị tham mưu của Bộ Nội vụ trong lĩnh vực cải cách hành chính, Ông Phạm Minh Hùng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính tham luận với chủ đề “Cải cách hành chính nhà nước và tác động đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”. Theo Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, nhìn nhận một cách tổng quát, trong 10 năm qua, kết quả của phát triển kinh tế – xã hội của nước ta có đóng góp không nhỏ của cải cách hành chính gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năm 2019 chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đạt 61,5/100 điểm, xếp vị trí 67/141 quốc gia và nền kinh tế; so với năm 2018, chỉ số GCI của Việt Nam tăng 3,5 điểm và xếp hạng tăng 10 bậc, mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm qua. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách toàn diện, đồng bộ; nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức làm việc và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và cơ quan hành chính địa phương các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập; tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các kết quả đánh gia được công bố của các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tương quan so sánh khu vực và toàn cầu.
TS. Phạm Sỹ An tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận “Năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính Việt Nam”, TS. Phạm Sỹ An nêu rõ thực trạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2019, Việt Nam đứng gần cuối bảng xếp hạng các quốc gia khu vực ASEAN về xếp hạng thị trường lao động, năng lực sáng tạo suy giảm; thể chế, kỹ năng, sự năng động trong kinh doanh vẫn xếp hạng ở mức thấp; tuy nhiên, xếp hạng cơ sở hạ tầng, năng lực sáng tạo, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin được cải thiện. Điểm số trung bình cải cách hành chính của nước ta tăng từ 79,92% (2017) lên 82,68% (2018 và 85,63% (2019), xếp hạng môi trường kinh doanh tăng từ 82 (2017) lên 68 (2018), kết quả của cải cách hành chính giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Về một số gợi mở giúp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới, TS. Phạm Sỹ An cho rằng chúng ta cần gắn trực tiếp chỉ số cải cách hành chính công với trách nhiệm, lợi ích và chi phí cho người đứng đầu đơn vị; cách mạng 4.0 tạo ra cơ hội để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân; hiệp định FTA thế hệ mới tạo ra sức ép cạnh tranh quốc gia lớn buộc phải cải cách thủ tục hành chính và các cam kết trong FTA đòi hỏi phải hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
PGS.TS. Văn Tất Thu tham luận tại Hội thảo
Trình bày tham luận “Năng lực cạnh tranh quốc gia và các thách thức cần vượt qua trong cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” tại Hội thảo, PGS.TS. Văn Tất Thu làm rõ nội hàm năng lực cạnh tranh quốc gia, mối quan hệ giữa cải cách hành chính nhà nước và năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời chỉ rõ 8 thách thức cần vượt qua để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bao gồm: (1) cải cách hành chính phải đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và cải cách đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam; (2) nhận thức về bản chất của cải cách hành chính nhà nước; (3) lực cản đối với cải cách hành chính; (4) tư tưởng bao cấp, cào bằng, cục bộ trong xây dựng thể chế và chính sách chưa được khắc phục; (5) sự thiếu hụt các nguồn lực đủ mạnh cho cải cách hành chính nhà nước; (6) sự khác biệt giữa cải cách hành chính của các nước trên thế giới và cải cách hành chính ở Việt Nam; (7) mâu thuẫn ngày càng tăng giữa năng lực quản trị nhà nước nói chung và năng lực quản trị các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; (8) sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ nhát là cách mạng 4.0 vừa tạo ra cơ hội và các thách thức đối với cải cách hành chính nhà nước.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải kết luận Hội thảo
Với hơn ba giờ đồng hồ diễn ra, Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đại biểu tham dự. Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trân trọng cảm ơn và ghi nhận những ý kiến quý báu của các đại biểu đã làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ giúp Khoa nói riêng, Học viện và Bộ Nội vụ nói chung củng cố thêm các luận cứ khoa học cho việc tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
Các đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến
TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính phát biểu tại Hội thảo
TS. Đinh Duy Hòa phát biểu tại Hội thảo
TS. Đào Thị Hoài Thu phát biểu tại Hội thảo
ThS. Nguyễn Chi Mai – Phân viện Học viện tại TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải – Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu tại Hội thảo
ThS. Hoàng Xuân Tuyền – Giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính phát biểu tại Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Trần Trung