Ngày 08/11/2011, Chính phủ ra Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 với 5 mục tiêu và đẩy mạnh cải cách trên 6 nội dung: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến
Kết quả CCHC giai đoạn 2011 – 2020 đã từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2001-2010. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Chương trình, hàng loạt các vấn đề đặt ra liên quan đến CCHC như: triết lý cải cách; việc xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện CCHC đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục được luận giải trên cả phương diện khoa học và thực tiễn.
Từ lý do đó, được sự phê duyệt của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, ngày 29/9/2020, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020: thực trạng và định hướng đến năm 2030“.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn – Nguyên Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn – Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II; PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Trương Thị Hiền – Nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh; giám đốc, phó giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang,…) và đại diện một số sở, ngành của các địa phương.
Về phía Học viện, tại Hà Nội có TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; PGS. TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, có TS. Hà Quang Thanh – Q. Giám đốc Phân viện và PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc Phân viện. Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của các giảng viên, nhà khoa học của Học viện tại 4 đầu cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh Thành phố Huế, Phân viện Khu vực Tây Nguyên và sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý của Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh.
TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện dự Hội thảo trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội
Hội thảo đã nhận được 44 bài viết và 13 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn trong và ngoài Học viện. Các bài viết, ý kiến thảo luận đã phân tích, luận giải nhiều phương diện khoa học liên quan đến CCHC, đồng thời cung cấp nhiều thông tin thực tiễn hữu ích về kết quả CCHC giai đoạn 2011-2020, cũng như đề xuất cho giai đoạn tiếp theo ở các địa phương.
Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn – Nguyên ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp trung ương khẳng định, CCHC là quá trình liên tục và để thực hiện thành công CCHC cần quyết tâm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Do đó, cần có luận cứ khoa học, đánh giá tổng kết thực tiễn Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, đặc biệt là phải có tiêu chí đánh giá kết quả CCHC nhà nước. Trong giai đoạn tiếp theo cần nghiên cứu để xác định trong số các nhiệm vụ CCHC, nhiệm vụ nào là nhiệm vụ đột phá.
Từ thực tiễn triển khai các Chương trình tổng thể CCHC, ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh nêu lên các rào cản của quá trình CCHC ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh đến rào cản về tư duy ngại thay đổi trong CCHC của cán bộ, công chức, viên chức, từ đó đề xuất các giải pháp để xóa bỏ, tháo gỡ những rào cản này khi thực hiện Chương trình CCHC trong giai đoạn tiếp theo để CCHC bền vững.
Liên quan đến các nội dung, nhiệm vụ của CCHC, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh – Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày những ưu điểm và hạn chế của cải cách thể chế, từ đó nêu lên các xu hướng của cải cách thể chế để gợi mở các vấn đề cải cách thể chế ở giai đoạn tiếp theo.
Cũng liên quan đến các nội dung, nhiệm vụ CCHC, ThS. Nguyễn Thanh Bình – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm, định hướng và giải pháp trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển – Phó Giám đốc thường trực Phân viện Học viện tại Thành phố Huế chia sẻ những định hướng và giải pháp để thực hiện cải cách tài chính công trong giai đoạn tiếp theo.
Từ thực tiễn các địa phương, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn – Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II trên cơ sở đánh giá kết quả CCHC của các tỉnh Đông Nam Bộ đã khẳng định, việc đo lường kết quả CCHC phải dựa vào mục tiêu đạt được là sự hài lòng của tổ chức và người dân, từ đó đặt ra yêu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức.
Từ thực tiễn đột phá của TP. Hồ Chí Minh, Bà Ngô Thị Hoàng Cát – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh trình bày những kết quả CCHC của Thành phố, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh để CCHC đạt hiệu quả. Cũng từ thực tiễn CCHC ở địa phương, ông Tạ Quang Trường – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm CCHC của Đồng Nai với triết lý “người dân là đối tác” của các cơ quan nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong CCHC hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính
Cùng quan điểm này, TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính, nêu quan điểm, CCHC phải mang lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cần nghiên cứu tích hợp các chỉ số để đánh giá kết quả CCHC hướng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để thúc đẩy quá trình CCHC. Bà Nguyễn Đài Thy – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh nêu kinh nghiệm của Tây Ninh và khẳng định, một trong những yếu tố tạo nên thành công của địa phương trong thực hiện CCHC là sự quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện CCHC của lãnh đạo địa phương và việc thường xuyên thực hiện việc giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện CCHC.
Ông Trương Long Hồ – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang chia sẻ kinh nghiệm, mô hình mới của An Giang trong CCHC và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện CCHC. Ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về vai trò của các cơ quan báo chí trong việc giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân nhận thức đầy đủ, chính xác hơn về CCHC, do đó phải phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền CCHC, góp phần để công cuộc CCHC đạt hiệu quả.
Tiếp cận CCHC từ góc độ phân chia lãnh thổ đơn vị hành chính, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc CCHC phải xuất phát từ việc xây dựng luận cứ khoa học cho quá trình CCHC, phải gắn liền việc mạnh dạn sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng các nguyên tắc làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước.
TS. Hà Quang Thanh – Q. Giám đốc Phân viện kết luận Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Văn Thới – Phó Giám đốc Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh đề cập đến triết lý gợi mở trong CCHC, đặc biệt đặt ra câu hỏi là khi tiến hành CCHC cần theo các mô hình thí điểm hay mô hình, triết lý minh định rõ ràng từ trên xuống.
Kết luận Hội thảo, TS. Hà Quang Thanh khẳng định các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã đánh giá kết quả đạt được CCHC trên các lĩnh vực, đánh giá sự tác động của CCHC đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, nhiều tham luận đã cung cấp thêm các luận cứ khoa học, xác định nguyên nhân thành công, thất bại của CCHC trên từng lĩnh vực; phân tích những rào cản của CCHC và những vấn đề đặt ra đối với CCHC ở giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, nhiều bài viết, ý kiến đã chỉ ra định hướng, các nhiệm vụ cơ bản trên các nội dung CCHC cũng như công tác chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, giám sát kết quả CCHC trong giai đoạn tiếp theo.
Tạp chí điện tử Quản lý nhà nước