Cách nay tròn 60 năm, ngày 29/5/1959, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký Nghị định số 214-NV thành lập Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ. Thời điểm đó, miền Bắc nước ta đang ở trong giai đoạn quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ mới khó khăn và phức tạp. Muốn thực hiện nhiệm vụ đó được tốt cần phải có một bộ máy chính quyền mạnh, đồng thời phải có những cán bộ có năng lực để điều khiển bộ máy đó. Cho nên song song với việc kiện toàn tổ chức đang tiến hành, Đảng và Chính phủ chủ trương tích cực bồi dưỡng cán bộ các ngành, các cấp về mọi mặt. Riêng về mặt Hành chính, Đảng và Chính phủ giao do Bộ Nội vụ trách nhiệm huấn luyện Ủy viên Ủy ban hành chính và cán bộ hành chính các cấp tỉnh, huyện. Ngày 16/10/1959, trường đã long trọng tổ chức khai giảng khóa huấn luyện đầu tiên cho các cán bộ chính quyền cấp huyện, tỉnh. Tại buổi khai giảng và bế giảng khóa học đầu tiên, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham dự và phát biểu những lời tâm huyết. Hiện tại bản gốc các bài bài phát biểu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại tại Lễ khai giảng và bế giảng khóa I trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Học viện Hành chính quốc gia), ngày 16/10/1959-16/01/1960. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Tại lễ khai giảng, mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại nhấn mạnh sự có mặt của các vị đại biểu và anh chị em học viên, “với tinh thần cầu tiến đã tới dự khóa huấn luyện này”, “đã biểu lộ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân đối với việc bồi dưỡng cán bộ nói chung và đối với Trường Hành chính của Bộ chúng tôi nói riêng. Sự quan tâm ấy là một khuyến khích lớn đối với nhà trường, nhắc nhở nhà trường phải luôn luôn cố gắng để xứng đáng với sự chăm sóc của Đảng, Chính phủ và nhân dân”.
Nhận thức được rằng, lập trường tư tưởng, trình độ lý luận và công tác của Ủy viên ủy ban hành chính huyện, thị xã và các cán bộ hành chính có ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chương trình kế hoạch công tác của Đảng và Chính phủ trong nhân dân, nên nội dung chương trình huấn luyện khóa này gồm có 2 phần: một phần về chính trị, một phần về hành chính. Chương trình này nhằm mục đích củng cố thêm lập trường, tư tưởng và nâng cáo nhận thức của các đồng chí về nhiệm vụ công tác, chủ trương chính sách, nguyên tắc thể lệ của nhà nước.
Cũng theo lời phát biểu của Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, khóa học này “là khóa đầu tiên, có tính chất một khóa thực nghiệm”. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng có lời dặn dò đối với các học viên như sau:
“trong học tập, chúng ta phải chú ý đến 2 điểm:
- Lý luận liên hệ với thực tế,
- Học tập dân chủ.
Những tài liệu học tập mà Nhà trường hướng dẫn các đồng chí mới chỉ là cơ sở đề các đồng chí thảo luận. Trong khi học tập nghiên cứu lý luận các đồng chí kiểm tra thực tế tư tưởng và công tác của mình. Những kinh nghiệm rút ra được trong những buổi học tập dân chủ đó sẽ là những bài học quý báu cho các đồng chí và cho các khóa huấn luyện sau này.
Với tinh thần trách nhiệm chung trong giai đoạn mới, các đồng chí sẽ phát huy nỗ lực chủ quan, cố gắng học tập, thân ái giúp đỡ nhau, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết giữa học viên với học viên, đoàn kết giữa học viên với cán bộ công nhân viên nhà trường và nhân dân địa phương.
Với tinh thần làm chủ nhà trường, các đồng chí sẽ tích cực chấp hành nội quy của nhà trường, tích cực góp ý kiến xây dựng nhà trường về moi mặt”.
Sau 03 tháng học tập, với sự tham gia giảng dạy của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, cũng như sự giúp đỡ về xây dựng chương trình khóa học, cung cấp tài liệu và cử giảng viên của Vụ Huấn Học, Ngân hàng Quốc gia và Bộ Tư pháp, Quốc phòng, Công nghiệp, Nội thương, Nông lâm, Thủy lợi, Văn hóa, Giáo dục, Y tế, nhà trường tổ chức bế giảng khóa học vào ngày 16/01/1960. Tại lễ bế giảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại phát biểu: “Việc học của các đồng chí đã xong. Học và hành phải đi đôi với nhau. Học để làm. Đó là phương châm mà chúng ta đã nêu ra. Vậy ngày hôm nay là bế giảng thì mai đây là ngày khai mạc phần thực hành, ngày mà các đồng chí đem những điều đã học áp dụng vào thực tế công tác hàng ngày… Chúng ta phải kiên quyết đứng trên lập trường của giai cấp công nhân mà đấu tranh với bản thân, vưới các đồng chí chúng ta, với những người bảo thủ, lạc hậu, để thực hiện bằng được những điều đã được học để cho kết quả công tác của chúng ta được nhiều hơn, tốt hơn. Trong thực tế công tác, các đồng chí có rút được những kinh nghiệm gì quý báu, thì các đồng chí gửi về cho Trường để phổ biến ngay trong khóa học tới. Các đồng chí nên tiếp tục góp ý kiến xây dựng chương trình học cho Trường hành chính mỗi ngày một hoàn bị.”
Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phan Kế Toại kết thúc bằng sự tin tưởng “Tôi tin rằng, với lòng tin tưởng ở sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và với những nhận thức mới mà các đồng chí thu được ở Trường Hành chính, nhất định các đồng chí sẽ làm tròn được nhiệm vụ của một người Đảng viên, một người cán bộ cách mạng, một người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Đã 60 năm trôi qua kể từ khi trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ được thành lập và khai giảng khóa học đầu tiên, nhưng những lời phát biểu tâm huyết, lời dặn dò và sự tin tưởng của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại vẫn còn nguyên giá trị. Phương châm thiết thực “Học để Làm” vẫn được các thế hệ lãnh đạo giảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Học viện và các thế hệ học viên nỗ lực tiếp tục kế thừa, phát huy, trở thành Học viện Hành chính Quốc gia hôm nay, luôn khẳng định là trung tâm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chiến lược quan trọng về hành chính, đáp ứng các yêu cầu về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý đất nước./.
Bài và ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III