(napa.vn) – Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã có những tác động nhất định đến chất lượng giảng dạy và học tập tại Học viện Hành chính Quốc gia. Để tìm hiểu về ChatGPT cùng những lợi ích cũng như những bất cập mà ChatGPT mang lại, chiều ngày 11/8/2023, tại Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở 371 – Nguyễn Hoàng Tôn, Khoa Ngoại ngữ – Tin học, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học “ChatGPT – Thời cơ và thách thức”.
Đến tham dự Tọa đàm có các nhà khoa học: TS. Đậu Hải Phong – Phó Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đại Nam; TS. Trần Đức Minh – Giảng viên Trường Đại học Phenikaa; TS. Nguyễn Hoài Thu – Phó Trưởng ban, Ban Quản lý bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Thư viện; TS. Phạm Quang Quyền – Chủ nhiệm Thư viện; ThS. Nguyễn Đạt Tiến – Phó Trưởng phòng, Phòng Hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số, Trung tâm Công nghệ và Thư viện cùng các giảng viên của các khoa/ban trong Học viện.
Về phía Khoa Ngoại ngữ – Tin học có TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa – Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học cùng toàn thể viên chức, sinh viên của khoa.
TS. Nguyễn Thị Thuý Hoa – Phó Trưởng khoa, Khoa Ngoại ngữ – Tin học phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Thuý Hoa nhận định bên cạnh những lợi ích, ChatGPT vẫn còn nhiều bất cập. Vì thế việc tổ chức Tọa đàm là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên trao đổi nâng cao hiểu biết của mình về ChatGPT để có thể phát huy ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của ứng dụng này trong quá trình giảng dạy và học tập.
TS. Đậu Hải Phong – Phó Trưởng khoa, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đại Nam trình bày tham luận.
Diễn giả TS. Đậu Hải Phong trình bày tham luận với chủ đề “ChatGPT – Thời cơ và thách thức”. Bên cạnh việc bàn luận về ChatGPT, diễn giả còn thảo luận về tiềm năng phát triển trong tương lai của các nền tảng công nghệ AI.
TS. Nguyễn Hoài Thu – Phó Trưởng ban, Ban Quản lý bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.
Tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Hoài Thu trình bày tham luận “Khả năng của ChatGPT trong việc trợ giúp con người học hỏi, làm việc”. Bằng kết quả các thử nghiệm đánh giá khả năng của ChatGPT, TS. Nguyễn Hoài Thu đã giải đáp những quan niệm đúng và sai về trí tuệ nhân tạo, giúp cho tất cả mọi người có cái nhìn thực tế và đúng đắn về công nghệ hiện đại nhất ngày nay, từ đó hỗ trợ nâng cao chất lượng của công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
TS. Trần Đức Minh, Trường ĐH Phenikaa trình bày tham luận
Tham luận với chủ đề: “Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong cuộc sống”, TS. Trần Đức Minh giúp mọi người thấy khả năng ứng dụng ChatGPT vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là giáo dục và y tế.
Tọa đàm “ChatGPT – Thời cơ và thách thức” đã nhận được nhiều tham luận có giá trị, là diễn đàn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực liên quan tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Những ý kiến trao đổi trong Tọa đàm là tư liệu quý góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện.
Một số hình ảnh buổi Tọa đàm:
TS. Phạm Quang Quyền – Chủ nhiệm Thư viện, Trung tâm Công nghệ và Thư viện trao đổi, thảo luận
ThS. Lê Hoàng Diệp – Giảng viên Khoa Ngoại ngữ – Tin học trao đổi, thảo luận
Sinh viên lớp 2105HTTA trao đổi thảo luận
Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm
Minh Phượng