Trong khuôn khổ chương trình Hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học hành chính giữa Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Phần Lan, ngày 7/3/2018, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Đại học Phần Lan tổ chức tọa đàm quốc tế “Quản lý tri thức thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” và “Quản lý chất lượng đào tạo: kinh nghiệm của Phần Lan và các giá trị tham khảo cho Việt Nam”. GS. Antti Lönnqvist, Trưởng Khoa quản lý, Đại học Tampere thuộc Đại học Tổng hợp Phần Lan đã trình bày tại Tọa đàm. TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện chủ trì buổi toạ đàm. Tham dự còn có đại diện các khoa, đơn vị và 40 cán bộ, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện đã cảm ơn những đóng góp của GS. Antti Lönnqvist vào quá trình xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác giữa NAPA và ĐHTH Tampere nói riêng và với ĐHTH Phần Lan nói chung. TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế tri thức, tri thức đang trở thành tiềm lực cạnh tranh, là sức mạnh của mỗi quốc gia, tổ chức. Việc xác định, sáng tạo, nắm bắt, xử lý, chuyển giao, lưu trữ và sử dụng tri thức hướng tới những giá trị chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội là một nhu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đối với các quốc gia”. Đề cập đến nội dung thứ hai của tọa đàm, TS. Nguyễn Đăng Quế cho rằng: quản lý chất lượng đào tạo là một nội dung được Học viện đặc biệt quan tâm, đặt ra nhiều vấn đề cần trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh ý nghĩa của nội dung được trình bày và thảo luận tại tọa đàm, đồng thời đề nghị các cán bộ, giảng viên Học viện tận dụng thời gian đặt câu hỏi, trao đổi, tận dụng năng lực của giáo sư Antti Lönnqvist – một chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong lý thuyết và thực tiễn về các lĩnh vực được đề cập trong tọa đàm.
Trình bày tại tọa đàm, GS. Antti Lönnqvist nhấn mạnh vai trò của tri thức với tư cách động lực chính, chìa khóa để mỗi quốc gia, tổ chức có thể phát triển và hội đủ những đặc điểm của một thiết chế đẳng cấp thế giới. TS. Lönnqvist cũng phân tích quá trình chuyển đổi của thành phố Tampere từ một thành phố dựa trên công nghiệp trở thành một thành phố dựa trên tri thức như một ví dụ tình huống điển hình về áp dụng quản lý tri thức để phát triển kinh tế- xã hội. Bài trình bày cũng đề cập tới nhiều vấn đề trong quy hoạch địa phương trong kỷ nguyên tri thức như: cách thức thu hút và giữ chân các tổ chức, thiết chế có hàm lượng tri thức cao; phương thức thu hút nhân viên có tri thức; cách thức bảo đảm tài sản trí thức trong quốc gia, địa phương có đẳng cấp quốc tế, đảm bảo dòng chảy liên tục các ý tưởng mới, kế hoạch mới, cách thức hỗ trợ các hoạt động học tập và áp dụng tri thức mới cũng như các khoản đầu tư để hỗ trợ cho việc thực hiện các vấn đề nêu trên.
Trong phần trình bày về quản lý chất lượng đào tạo, GS. Antti Lönnqvist đã đề cập tới các yếu tố căn bản về chất lượng đào tạo, những chuyển đổi trọng tâm trong tư duy chất lượng. Giáo sư cũng chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng tại Đại học Tampere.
Tại buổi tọa đàm, các cán bộ, giảng viên Học viện cũng trao đổi và đặt câu hỏi về phương thức thu hút các tổ chức, thiết chế có hàm lượng tri thức cao vào đầu tư tại các quốc gia và địa phương, điểm mạnh, điểm yếu và các lĩnh vực cần phát triển trong quản lý chất lượng đào tạo nói riêng và quản lý tri thức nói chung ở Việt Nam.
Tin bài: Quỳnh Hoa
Ảnh: Xuân Phú, Quốc Việt