Viên chức, giảng viên Học viện tham dự lớp bồi dưỡng về Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, Chính phủ điện tử, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

(napa.vn) – Thực hiện kế hoạch của Bộ Nội vụ, sáng ngày 12/11/2020, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Lớp bồi dưỡng về Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, Chính phủ điện tử, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho công chức, viên chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Viên chức, giảng viên một số đơn vị của Học viện như Văn phòng, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính…tham dự lớp bồi dưỡng

Tham dự lớp bồi dưỡng có ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Thông tin; ông Phạm Hùng Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ông Lê Quốc Hữu – Thành viên Tổ chuyên gia giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử – Giảng viên Lớp bồi dưỡng.

IMG-9946Ông Nguyễn Thanh Bình khai mạc lớp bồi dưỡng

Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bước phát triển cao hơn tiếp theo của Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay; sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Nội vụ đối với  phát triển Chính phủ điện tử nhằm hướng tới Chính phủ số của Bộ Nội vụ. Ngày 23/10/2020, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 892/QĐ-BNV ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ, phiên bản 2.0 nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Nội vụ; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho công chức, viên chức, công dân, tổ chức; phát triển Chính phủ điện tử của ngành, hướng tới ngành Nội vụ số.

IMG-9948Viên chức, giảng viên của Học viện tham dự lớp bồi dưỡng

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng lớp bồi dưỡng này hết sức cần thiết cho công chức, viên chức của Bộ Nội vụ trong việc nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách trong thời gian tới. Giám đốc Trung tâm Thông tin Nguyễn Thanh Bình cũng gợi mở một số vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, trao đổi như: “Công nghệ 4.0, nhưng con người và phương thức quản lý, hoạt động thì vẫn 1.0“. Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở góc độ tổ chức và con người: ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tinh gọn tổ chức, bộ máy; Nghiên cứu, dự báo: các công việc (vị trí việc làm) có thể mất đi, có thể mở ra trong cơ quan nhà nước; các quy trình, thủ tục giải quyết công việc sẽ được tối ưu hóa, tự động hóa thế nào khi áp dụng Công nghệ 4.0…

IMG-9947Giảng viên trao đổi các chuyên đề tại lớp bồi dưỡng

Trong thời gian học, học viên tham dự lớp học đã được giảng viên Lê Quốc Hữu – Nguyên Kiến trúc sư trưởng sề Smart City – Tập đoàn Viettel thành viên Tổ chuyên gia giúp việc Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử cung cấp các nội dung chính: Tổng quan về Chính phủ số và Xây dựng Chính phủ số ở Việt Nam; Tổng quan về chuyển đổi số và chuyển đối số ở Việt Nam. Theo đó, tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 đặt ra mục tiêu: phát triển Chính phủ điện tự dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; năm 2020 nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc; đến 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc./.

Trần Trung

Comments are closed.