(napa.vn) – Sáng ngày 18/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra 3 phiên làm việc chuyên đề đồng thời nằm trong chương trình làm việc của Hội nghị EROPA 2023. Trong đó, Tiểu chủ đề 3 với nội dung: “Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” được các diễn giả thảo luận sôi nổi.
Ban Điều hành Phiên 1
TS. Rizalino Cruz, Trường Hành chính và Quản trị quốc gia, Đại học Phi-líp-pin và TS. Hoàng Vĩnh Giang, Học viện Hành chính Quốc gia điều hành Phiên làm việc buổi sáng.
Thảo luận phiên sáng gồm 15 tham luận với nhiều chủ đề khác nhau về xây dựng năng lực quản trị công, được tiếp cận ở nhiều cấp độ khác nhau, gắn liền với mỗi địa phương, mỗi khu vực, quốc gia đã gợi mở nhiều ý tưởng cho mỗi đại biểu trong lĩnh vực công tác khác nhau.
Ông Marlon Tagorda, Đô thị tự trị Ilocos Sur, Phi-líp-pin trình bày tham luận: “Sử dụng quyền tự chủ lập pháp để thiết lập Chương trình nghị sự phát triển kinh tế địa phương của Sangguniang Panlalawigan lần thứ 10 của Ilocos Sur”. Đây là kết quả lớn nhất của nghiên cứu này trong việc định hình và xác định quản lý công tại Chính quyền tỉnh Ilocos Sur. Bộ luật Chính quyền Địa phương năm 1991 quy định rằng các đơn vị chính quyền địa phương phải nỗ lực để tự chủ, thoát khỏi sự phụ thuộc vào phân bổ doanh thu nội bộ, tạo ra doanh thu bằng cách tác động đến sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, không phải chính quyền địa phương nào cũng có đủ năng lực thực hiện quy định này, cần tiến hành chẩn đoán lập pháp thường xuyên để theo dõi, đánh giá, giải trình và học hỏi.
TS. Younes Abouyoub, Liên Hợp Quốc với tham luận: “Tái thiết quản trị công để phát triển bền vững ở các nước kém phát triển hậu xung đột ở Trung Đông và châu Phi”. Theo diễn giả Younes Abouyoub, các nước chậm phát triển chiếm khoảng 12% dân số toàn cầu và đóng góp của họ cho thương mại cũng như hoạt động kinh tế toàn cầu khá hạn chế. Nghiên cứu này xem xét những thách thức trong việc khôi phục quản trị công hiệu quả ở các quốc gia khủng hoảng và hậu xung đột ở 3 nước kém phát triển là Somalia, Sudan và Yemen.
TS. Bernadette G. Gumba, Đại học Partido State, Phi-líp-pin trình bày tham luận: “Hiệu quả chi phí của việc thực hiện cách ly cộng đồng tại các khu vực được lựa chọn quận Partido, Philippines”. Nghiên cứu đã đo lường hiệu quả chi phí của việc cách ly cộng đồng do các đơn vị chính quyền địa phương được chọn ở Quận Partido, Philippines thực thi. Nghiên cứu cho thấy, số lượng ca nhiễm Covid-19 cũng như chi phí trung bình mỗi ngày của bệnh nhân giảm đáng kể sau giai đoạn cách ly cộng đồng.
TS. Jennifer San Jose, Đại học Partido State, Phi-líp-pin trình bày tham luận: “Thực hiện Hiến chương Công dân về cung ứng dịch vụ trực tiếp tại Quận 4, Camarines Sur, Philippines”. Nghiên cứu của TS. Jennifer San Jose phân tích một số yếu tố sau: (1) Sự tuân thủ của các đơn vị chính quyền địa phương với các yêu cầu thông tin của Điều lệ Công dân (2); Phản hồi về việc thực hiện điều lệ. Nghiên cứu mang tính mô tả-đánh giá, có sự tham gia của 161 người trả lời bao gồm các quan chức chủ chốt, nhà cung cấp dịch vụ tuyến đầu và người nhận dịch vụ. Nghiên cứu cũng khuyến nghị các cơ quan liên quan khác tăng cường thực hiện Hiến chương Công dân thông qua các chương trình nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực, giám sát và cập nhật Hiến chương Công dân, cũng như các hoạt động nghiên cứu và mở rộng liên tục của các nhà thực hành học thuật và thực địa.
Diễn giả JuHo Jung, Đại học Sungkyunkwan – Hàn Quốc có tham luận liên quan đến nghiên cứu về dự định luân chuyển công tác và các yếu tố mang tính cơ cấu của công chức mới tuyển dụng. Diễn giả nhận định, việc cải cách lương hưu của công chức là một trong những yếu tố chính gây ra sự khác biệt về cơ cấu. Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu xem, liệu các yếu tố cấu trúc có tồn tại trong sự thay đổi ý định chuyển đổi việc làm của cán bộ công chức trẻ ở Hàn Quốc hay không. Khi tỷ lệ thôi việc của các quan chức nhà nước mới ở độ tuổi 20 và 30 tiếp tục tăng, một số nghiên cứu đang được tiến hành để xem xét tác động của các yếu tố công việc, tổ chức và cá nhân có tác động đến ý định luân chuyển của họ.
Tham luận của 2 diễn giả: TS. Paulito Nisperos và TS. Jerome Orate, Đại học Don Mariano Marcos Memorial State, Phi-líp-pin có chủ đề: “Xây dựng, xây dựng, xây dựng: Chính phủ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh La Union”. Tham luận đi sâu nghiên cứu mô tả định lượng nhằm đánh giá tình trạng hiện tại của các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống quản lý dự án được áp dụng tại các khu kỹ thuật của La Union do Chính phủ thực hiện. Nhìn chung, đánh giá của các bên liên quan cho thấy, mức độ quản lý dự án là yếu kém. Nghiên cứu cũng đưa ra các đề xuất về chính sách đánh giá năng lực của các bên liên quan, kiểm toán chủ động và công khai, minh bạch.
Bà Sharon Grace P. Suarez-Yabut, Trường Đại học Hành chính và Quản trị Quốc gia, Đại học Phi-líp-pin trình bày tham luận: “Thiết kế khung khái niệm hướng tới tăng cường khả năng phục hồi thể chế của hành chính công: Đánh giá khả năng phục hồi quản trị công trong các kế hoạch phát triển Philippines của chính quyền Duterte và Aquino”. Nghiên cứu nhằm mục đích làm rõ các lý thuyết về khả năng phục hồi thể chế của hành chính công trong thực tiễn, đồng thời đánh giá các yếu tố chống chịu và phong cách quản trị trong hành chính công nhằm xử lý các mối đe dọa ảnh hưởng đến hệ thống cơ cấu và thủ tục. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh lời kêu gọi hành động trong việc diễn giải các lý thuyết và khái niệm nhằm đề xuất những cải cách trong việc thiết kế một nền hành chính công linh hoạt, hướng tới xây dựng nền quản trị minh bạch, hiệu quả.
TS. Akio Kamiko, Trường Đại học Khoa học chính sách, Đại học Ritsumeikan Nhật Bản báo cáo tham luận “Giới thiệu Hệ thống tố giác tại các đô thị ở tỉnh Kyoto, Nhật Bản”. Hệ thống tố giác là sự bổ sung mới trong hệ thống chính quyền địa phương của Nhật Bản và không được công bố rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên, chính quyền trung ương Nhật Bản gần đây đang chú trọng đến kiểm soát nội bộ của chính quyền địa phương và hệ thống tố giác được coi là một trong những công cụ cho việc này. Nguyên nhân là do tình trạng giảm dân số và di cư đến các khu vực trọng điểm của đất nước, đẩy nhiều chính quyền địa phương vào tình trạng khó khăn về tài chính và việc quản lý công dân ở địa phương.
GS. Arnold Lorenzo, Đại học Nông nghiệp Tarlac, Phi-líp-pin tham luận với nội dung: “Bảo đảm sự tiếp cận giáo dục đại học trong trạng thái bình thường mới thông qua hệ thống tuyển sinh trực tuyến”. Nghiên cứu tập trung vào việc phát triển một hệ thống trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển sinh của sinh viên vào trường đại học. Hệ thống này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, đồng thời là cơ hội số hóa các dịch vụ nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tối đa hóa lợi ích của các cơ sở công nghệ thông tin do chính phủ cung cấp để cải thiện quá trình dạy và học. Thông qua hệ thống tuyển sinh trực tuyến, trường nắm bắt cơ hội sử dụng tối đa công nghệ trong việc phục vụ tốt hơn cộng đồng, đặc biệt là sinh viên.
Ông Taketo Teradan, Đại học Waseda, Nhật Bản trình bày tham luận: “Một phân tích thực nghiệm về giả thuyết cân nhắc thiệt hơn giữa quyền sở hữu nhà và phúc lợi: Trường hợp chính quyền địa phương Nhật Bản”. Trong nghiên cứu này, ông Taketo Teradan đã chỉ ra rằng, quyền sở hữu nhà ở của người dân có thể ảnh hưởng đến mức độ cung cấp phúc lợi công cộng của chính phủ. Tuy nhiên, kết quả phân tích hòa giải cho thấy, ở những khu vực có tỷ lệ sở hữu nhà cao, tỷ lệ cư dân rời khỏi đô thị có thể thấp hơn, điều này có thể dẫn đến việc đô thị giảm bớt các chính sách phúc lợi. Điều này gợi ý một cơ chế khác với lập luận truyền thống rằng, giá trị tài sản của nhà ở càng cao thì người dân càng ít mong muốn các chính sách phúc lợi.
TS. Mhd Faheem Aliuden Đại học Cotabato State, Barmm, Bà Princess Fahanna Azzizah Abas, Bangsamoro – Nghị viện, Barmm, Philippines với tham luận: “Hiệu quả quản trị của các xã ở Sultan Kudarat, Maguindanao Del Norte”. Theo các diễn giả, ở Phi-líp-pin, các quan chức đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhu cầu và hỗ trợ của khu vực bầu cử của họ. Với tư cách là đối tác của chính quyền khu vực, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án và hoạt động nhằm đáp ứng ngay lập tức lời kêu gọi của người dân. Nghiên cứu cho thấy, các quan chức của Sultan Kudarat có phương thức quản trị tốt nhưng cần phải được tăng cường về quản lý môi trường, thân thiện với doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh, đồng thời, họ cần có đủ năng lực để thích ứng từ những đổi mới và chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến quyền điều hành của mình.
TS. Chanda Gani, Ban đầu tư Bangsamoro Văn phòng Thủ tướng Khu tự trị Bangsamoro, TS. Radzata Abdulgani, Đại học Cotabato State, Khu tự trị Bangsamoro với tham luận “Thu thuế của chính quyền địa phương nhằm đạt được sự phát triển kinh tế và văn hóa xã hội ở Nam Trung bộ Mindanao, Philippines”. Hai diễn giả nhấn mạnh, thuế là một yếu tố rất quan trọng và có tính quyết định vì nó cho phép một quốc gia cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho công dân của mình và thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, việc thu thuế của chính quyền địa phương đã đóng góp một phần lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đồng thời chính quyền địa phương phải tăng cường khuyến khích, tuyên truyền để cộng đồng có trách nhiệm nộp thuế đúng hạn.
TS. Maria Wendy Solomo, Đại học Partido State, Phi-líp-pin tham luận với nội dung: “Giảng dạy hóa học môi trường sử dụng phương pháp học tập dựa trên yêu cầu trong môi trường trực tuyến”. TS. Maria Wendy Solomo cho rằng, chương trình nghị sự về giáo dục vì sự phát triển bền vững năm 2030 của UNESCO sẽ mang lại sự chuyển đổi cá nhân và xã hội, giúp thay đổi hướng đi trong giáo dục. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên câu hỏi (IBA) trong giảng dạy hóa học môi trường để nâng cao hiệu suất và thái độ của sinh viên sau đại học trong môi trường trực tuyến. Lợi ích nổi bật của IBA là những ứng dụng thực tế của các khái niệm hướng tới phát triển bền vững, phát triển kỹ năng nhận thức và tạo ra những người học tự chủ hơn và có trách nhiệm với môi trường hơn.
TS. Naoki Fujiwara, Đại học Otemon Gakuin Nhật Bản trình bày tham luận:“Quản trị bền vững trong quản lý nhập cư tại Nhật Bản: Vai trò của sự tham gia của người dân trong việc cung ứng dịch vụ giáo dục tiếng Nhật”. Trong tham luận của mình, TS. Naoki Fujiwara nhấn mạnh, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng do dân số già. Mặc dù đất nước này có các quy định tương đối thoải mái cho phép sinh viên nước ngoài làm việc bán thời gian nhưng vẫn thận trọng trong việc mở cửa hoàn toàn cho người nhập cư. Do đó, các học viện dạy tiếng Nhật tư nhân đã trở thành một kênh chính cho lao động di cư, dẫn đến các vấn đề như ngành nhập cư vì lợi nhuận và sự không phù hợp về việc làm. Với sự dịch chuyển quốc tế ngày càng tăng ở châu Á, điều quan trọng là phải phát triển quản trị công bền vững để quản lý nhập cư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
TS. Phạm Thị Diễm, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: “Đổi mới cung cấp dịch vụ hành chính công để đáp ứng yêu cầu quản trị tốt”. Theo diễn giả TS. Phạm Thị Diễm, TS. Vũ Hương Thảo, cung cấp dịch vụ hành chính công là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi nhà nước và cũng là thước đo quản trị tốt. Ở Việt Nam, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công luôn là nội dung quan trọng được đặc biệt quan tâm trong đổi mới hoạt động nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trên cơ sở làm rõ vai trò của việc cung cấp dịch vụ hành chính công đối với quản trị tốt và thực trạng cung cấp dịch vụ hành chính công ở Việt Nam hiện nay, hai tác giả đã chỉ ra những vấn đề, nguyên nhân tồn tại, từ đó đề xuất giải pháp đổi mới việc cung cấp dịch vụ hành chính công đáp ứng yêu cầu về quản trị tốt.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại phiên thảo luận 1.
Tiếp theo phiên làm việc buổi sáng, TS. Shohei Suyama, Trường Tự chủ địa phương, Nhật Bản và TS. Phạm Ngọc Hà, Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam điều hành phiên làm việc buổi chiều với 11 tham luận diễn giả.
Ban điều hành Phiên 2
TS. Vincent Wong, Chủ tịch Ủy ban Nghị quyết EROPA trình bày tham luận: “Thúc đẩy tính Pháp quyền” thông qua các chương trình bồi dưỡng ở Nhật Bản: Tình huống Trường Tự trị Địa phương (LAC)”. TS. Vincent Wong đi sâu vào phân tích các yếu tố sau: (1) Đối với chương trình giảng dạy pháp luật, những loại luật nào sẽ được nghiên cứu nhằm nâng cao tính pháp quyền nhằm quản lý tốt các quan chức chính phủ? Và tại sao? (2) Đối với các nhà giáo dục pháp luật, LAC tuyển dụng các nhà giáo dục pháp luật khác nhau để giảng dạy pháp quyền cho các quan chức chính phủ như thế nào? (3) Để nội địa hóa pháp luật, các quan chức chính phủ tham gia nội địa hóa những gì họ nghiên cứu từ nền pháp quyền như thế nào? Cuối cùng, tác giả phân tích và củng cố lý do tại sao đào tạo pháp luật lại cần thiết cho các chủ thể xã hội chủ chốt như công chức nhằm duy trì pháp quyền nhằm quản lý công minh bạch, linh hoạt và hiệu quả hơn.
PGS.TS. Hoàng Mai, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: “Phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý nhằm thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam”. Theo PGS.TS. Hoàng Mai, năng lực lãnh đạo, quản lý của nền công vụ ở Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật được thể hiện qua nhưng chỉ số đáng tin cậy. Tuy nhiên, còn một số hạn chế trong năng lực lãnh đạo, quản lý của nền công vụ mà cụ thể nhất là năng lực thể chế. Vì vậy, cần có định hướng, giải pháp phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu quản trị tốt ở Việt Nam, như: (1) Xây dựng khung năng lực lãnh đạo, quản lý tiếp cận từ yêu cầu quản trị tốt; (2) Đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo khung năng lực; (3) Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo triết lý phát triển năng lực.
TS. Peter Fong, Hiệp hội Hành chính công Hồng Kông với tham luận: “Chiếc lược tăng cường quản trị công giữa các thành phố/xuyên địa giới để phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc”. Các chiến lược bao gồm: (1) Điều phối các quy hoạch khu vực và thành phố một cách tổng thể; (2) Phân chia vai trò giữa các thành phố khác nhau dựa trên thế mạnh của chúng; (3) Thúc đẩy đổi mới và công nghệ bền vững; (4) Lập bản đồ kết nối cơ sở hạ tầng bằng cách xây dựng các cây cầu mới và các tuyến đường sắt cao tốc; (5) Xây dựng hệ thống công nghiệp cạnh tranh toàn cầu; (6) Giảm bớt, đơn giản hóa các thủ tục và kiểm tra qua biên giới thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin; (7) Bảo tồn sinh thái để có cuộc sống và làm việc có chất lượng.
Thay mặt nhóm diễn giả đến từ Trường Cao đẳng Hành chính và Quản trị quốc gia, Đại học Phi-líp-pin, ông Alce Quitalig tham luận nội dung: “Thực hiện gắn thẻ ngân sách có lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững ở Phi-líp-pin”. Các diễn giả phân tích mức độ đầu tư của Phi-líp-pin vào các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể là sức khỏe và hạnh phúc, giáo dục chất lượng, sức khỏe sinh sản và tình dục cũng như quyền sinh sản ở Phi-líp-pin. Các phân tích về ngân sách và chi tiêu của Phi-líp-pin cho thấy một số lỗ hổng trong dữ liệu và thông tin về hiệu quả hoạt động, đặt ra thách thức đối với hiệu quả hoạt động của mục tiêu phát triển bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận: “Hoàn thiện tổ chức nhà nước gọn nhẹ, hiệu quả để đáp ứng quản trị tốt”. Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một trong những yêu cầu đặt ra đáp ứng yêu cầu của quản trị tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tinh gọn đầu mối, hợp nhất một số cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, bởi suy đến cùng, mục đích của việc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Công cuộc cải cách sẽ cần được triển khai nghiêm túc, khách quan, trên cơ sở các luận cứ khoa học. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy nhà nước sẽ góp phần xây dựng nhà nước vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quản trị công tốt.
TS. Alice Te, Hiệp hội hành chính công Hồng Kông với tham luận: “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong quản trị công nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc”. Trong tham luận này, TS. Alice Te đề xuất một số chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong quản trị công: (1) Thu hút và giữ chân nhân tài; (2) Giáo dục và đào tạo nhằm phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao thông qua đầu tư vào các cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới… (3) Hợp tác xuyên biên giới nhằm khuyến khích trao đổi kiến thức và công nghệ thông qua thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; (4) Quan hệ đối tác công – tư (PPP): giải quyết các thách thức về nguồn nhân lực và cải thiện dịch vụ công; (5) Quản lý hiệu suất và trách nhiệm giải trình: nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản trị công.
TS. Kenichi Nishimura, Đại học Osaka, Nhật Bản báo cáo tham luận: “Một nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa niềm tin của người dân và hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương: Trường hợp của Phi-líp-pin”. Tiến sỹ sử dụng kết quả khảo sát dư luận năm 2019 về quản trị địa phương và thực hiện phân tích thống kê, lấy Phi-líp-pin làm trường hợp nghiên cứu điển hình để khẳng định niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương có liên quan mật thiết đến hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Từ đó đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản lý của công chức, cán bộ chính quyền địa phương các quốc gia.
TS. Jephte Munez, Đại học Philippines trình bày tham luận: “Ngân sách bền vững các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc: Phản hồi chính sách hướng tới phát triển con người và giảm nghèo từ Philippines”. GS. Jephte Munez cho rằng, với những ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19 đã tác động đến sự phát triển kinh tế và phát triển con người của các nước trên thế giới, quản lý tài chính sẽ đòi hỏi tư duy tương lai và sự thận trọng trong việc thiết kế và thực thi chính sách công nhằm giải quyết các vấn đề về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia trong quá trình theo đuổi, phát triển con người bền vững và xóa đói, giảm nghèo.
TS. Michael Tumanut đại diện nhóm diễn giả đến từ Trường Cao đẳng Hành chính và Quản trị Quốc gia, Đại học Phi-líp-pin với tham luận: “Phân tích nội dung của Tạp chí hành chính công Philippines, 1990 – 2019”. Nghiên cứu của các diễn giả nhằm mục đích góp phần tìm hiểu các xu hướng trong nghiên cứu của các học giả về quản trị và hành chính công như được thể hiện hoặc trình bày trên Tạp chí Hành chính công Phi-líp-pin cũng như mô tả những thay đổi trong các cách tiếp cận trọng tâm nghiên cứu và thực tiễn nghiên cứu. Về phương pháp và phương pháp nghiên cứu, các nghiên cứu định tính tiếp tục thống trị tạp chí, nhưng tỷ lệ các bài báo định lượng đã tăng lên đều đặn trong ba thập kỷ qua. Tương tự như vậy, hoạt động hợp tác trong tạp chí đang dần tăng lên, nhưng vẫn chưa có sự đa dạng về hợp tác quốc tế.
Ông Reynaldo Brutas, Đại học Isabela State, Phi-líp-pin báo cáo nghiên cứu: “Đánh giá mức độ triển khai và hiệu quả của các dịch vụ hành chính và tài chính của chính quyền địa phương tại Quận 3 của Isabela”. Nghiên cứu của tác giả Reynaldo Brutas đã đánh giá mức độ thực hiện các chính sách, chương trình và hiệu quả thực hiện dịch vụ hành chính giữa các đơn vị chính quyền địa phương của Isabela. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả và suy luận.
Tiểu chủ đề 3 với hơn 20 tham luận đã nêu ra những vấn đề cơ bản của xây dựng năng lực quản trị công. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, mở rộng quan hệ đối tác công – tư, vấn đề kết nối giữa công chức, công dân với khu vực và toàn cầu được nhiều đại biểu đặt ra và bàn thảo. Nhằm nâng cao hiệu quả của quản trị công trong xã hội dân chủ, các diễn giả cũng đề xuất tăng cường sự tham gia của người dân và sử dụng truyền thông để phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm sự tương tác 2 chiều giữa chính quyền với người dân.
* Ngày 19/10, buổi sáng Phiên hội nghị toàn thể 4; buổi chiều Phiên họp Hội đồng 2 và Tổng kết, bế mạc Hội Nghị EROPA 2023.
Nhóm phóng viên