Ngày 28/7/2022, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là chuyển đổi hoạt động của Bộ Nội vụ trên môi trường số. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác của Bộ Nội vụ được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn của Bộ Nội vụ nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số của Bộ, từng bước tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc độ xử lý công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian.
Phát triển các ứng dụng, dịch vụ theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số; sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo Bộ kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ đồng thời cung cấp dịch vụ công theo phương thức số giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Tạo lập kho dữ liệu số ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu. Tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây.
Đến năm 2025, 100% các văn bản, tài liệu chính thức (theo quy định) trao đổi giữa Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước được thực hiện trên môi trường số và được xác thực điện tử trừ các văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.
100% chi bộ, đảng bộ triển khai công tác đảng trên mạng máy tính thông qua Hệ thống quản lý, điều hành của Bộ Nội vụ. 100% đảng viên, công chức, viên chức Bộ Nội vụ sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. 100% đảng viên, công chức, viên chức Bộ Nội vụ được đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chuyển đổi số, an toàn bảo mật thông tin.
Đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để 100% văn kiện của Đảng (trừ tài liệu mật), mục lục hồ sơ lưu trữ của cấp ủy được lưu trữ trên môi trường mạng.
Số hóa tối thiểu 50% tài liệu lưu trữ có tần suất sử dụng cao và xây dựng cơ sở dữ liệu đặc tả đối với toàn bộ tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, bảo đảm phục vụ thực hiện dịch vụ công khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trực tuyến mức độ 4 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 phê duyệt Đề án “Lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020 – 2025”.
100% các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, các dịch vụ dùng chung trong ngành Nội vụ được kết nối liên thông phục vụ xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong ngành Nội vụ đảm bảo kết nối trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương hoạt thông qua nền tảng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia theo Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Nội vụ phiên bản 2.0.
Triển khai xây dựng kho dữ liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ, sử dụng các công nghệ BigData, AI để quản lý, phân tích, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo.
Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin, an toàn bảo mật dữ liệu cho việc triển khai hoạt động của Bộ Nội vụ trên môi trường số.
Đồng thời, thực hiện việc xây dựng, quản lý, tổ chức khai thác sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, không giấy tờ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ Nội vụ. Xây dựng, tạo lập nền tảng tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu của Bộ Nội vụ với nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).
Đến năm 2030, tiếp tục duy trì các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và hướng đến đạt được các mục tiêu cụ thể như sau: Số hóa 100% tài liệu lưu trữ phục vụ Chuyển đổi số. Công tác cán bộ, công tác báo cáo, thống kê, dự báo; công tác thanh tra, kiểm tra hoàn toàn dựa trên dữ liệu số.
Đồng thời, hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ giữa Bộ Nội vụ và các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính. Cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu Nội vụ phục vụ công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước, công dân, các tổ chức chính trị và xã hội. Cung cấp dịch vụ dữ liệu, dịch vụ gia tăng trên cơ sở dữ liệu Nội vụ hướng tới phục vụ người dân và tổ chức khai thác cơ sở dữ liệu ngành Nội vụ có tính phí.
Tổ chức khai thác, vận hành kho dữ liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ, sử dụng các công nghệ BigData, AI để quản lý, phân tích, cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo. Tiếp tục triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: 1. Chuyển đổi nâng cao nhận thức. 2. Hoàn thiện môi trường pháp lý. 3. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số. 4. Phát triển dữ liệu số. 5. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng. 6. Phát triển nguồn nhân lực và 7. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phối hợp với cấp ủy Đảng cùng cấp có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết này và Quyết định số 151/QĐ-BNV ngày 25/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai theo từng năm. Quán triệt công tác Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc để bắt nhịp với xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Theo moha.gov.vn