Công đoàn Học viện tổ chức về nguồn tại Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) nhân kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ (8/3)

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày 02/3/2019, Công đoàn Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức về nguồn tại Khu Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) và tham quan một số di tích ở khu vực này.

Tham dự đoàn công tác có: TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện; các Phó Giám đốc Học viện: TS. Vũ Thanh Xuân, PGS.TS. Lương Thanh Cường, TS. Nguyễn Đăng Quế; TS. Chu Xuân Khánh – Chủ tịch Công đoàn Học viện; đại diện Đảng ủy, BCH Công đoàn, Ban Nữ công Học viện, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện; đại diện Hội Cựu Chiến binh Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị và gần 200 công đoàn viên của Học viện tại Hà Nội.

Điểm đầu tiên trong hành trình của đoàn là Đền Kiếp Bạc, thuộc xã Hưng Đạo (Chí Linh, Hải Dương). Ngôi đền thờ anh hùng dân tộc, nhà quân sự lỗi lạc, văn võ toàn tài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và gia quyến của Người. Đền Kiếp Bạc được xây dựng sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời năm 1300.

1 Đoàn nghe giới thiệu về Khu Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc

Với vị trí đắc địa về phong thủy, hiểm yếu về quân sự, nơi đây từng được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất (1258). Tháng 6/1285, Hưng Đạo Đại vương đã tập hợp tại đây 20 vạn quân và hơn 1.000 chiến thuyền đánh trận Vạn Kiếp, tiêu diệt 20 vạn quân Nguyên Mông, kết thúc nhanh gọn cuộc kháng chiến lần thứ 2. Tháng 3/1288, Hưng Đạo Đại Vương cùng vua Trần Nhân Tông tổ chức phản công đánh trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng, tiêu diệt 30 vạn quân giặc, kết thúc thắng lợi 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông vĩ đại của dân tộc. Không những giỏi trực tiếp cầm quân đánh giặc, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn còn để lại nhiều tác phẩm bất hủ như: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư và Hịch tướng sĩ,…

Do có công lao to lớn đối với dân tộc trong sự nghiệp giữ nước, Vua Trần đã cho lập sinh từ để thờ, sinh bi ca ngợi công đức ngay từ khi Người còn sống. Trần Hưng Đạo sống những năm tháng thanh bình tại Vạn Kiếp và mất tại đây vào ngày 20/8/1300. Vua Trần đã sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ ngay tại Thái ấp của Người (Đền Kiếp Bạc ngày nay).

Hiện nay, bên cạnh các công trình kiến trúc được trùng tu, tôn tạo qua nhiều đời, thể hiện sự tri ân của các thế hệ hậu thế đối với Đức Thánh Trần, Khu Di tích Kiếp Bạc còn nhiều di sản văn hóa phi vật thể, di sản Hán Nôm phong phú, đúc kết tinh hoa văn hóa của các lớp người ở nhiều triều đại. Với những giá trị đặc biệt đó, Khu Di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962 và được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

2

Đoàn tham quan Khu di tích danh thắng Côn Sơn

Rời Đền Vạn Kiếp, đoàn tới dâng hương và tham quan Khu di tích danh thắng Côn Sơn – mảnh đất gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt. Nơi đây, có Đền Ức Trai – thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 – 1442), được xây dựng vào năm 2002. Theo sử sách, Nguyễn Trãi là cháu ngoại của quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông nổi tiếng là người tài đức và có chí lớn, năm 20 tuổi đã thi đỗ Thái học sinh. Thời giặc Minh xâm lược, ông mang nặng nợ nước, nuôi chí phục quốc, đến Lam Sơn tụ nghĩa, dự hội thề Lũng Nhai, đem hết tài trí giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh. Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn Bình Ngô đại cáo, tổng kết tài tình sự nghiệp Bình Ngô và toàn bộ tiến trình lịch sử quốc gia Đại Việt đến đầu thế kỷ XV. Đây là áng thiên cổ hùng văn và là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc (sau Nam quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt). Thời bình, Nguyễn Trãi dốc lòng giúp nhà Lê sửa sang việc nước, tổ chức triều chính, làm cho quốc gia cường thịnh. Ông không chỉ là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao thiên tài mà còn là nhà văn hóa lớn, trí tuệ uyên bác, nhân cách cao thượng, để lại cho đời nhiều tác phẩm lớn, có giá trị bất hủ. Cuộc đời ông là bài ca yêu nước, yêu dân, xứng đáng với lòng khâm phục, kính yêu và tự hào của nhân dân. Ông được suy tôn là Anh hùng dân tộc, được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

3

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Chùa Côn Sơn

Cũng tại khuôn viên Khu Di tích danh thắng này, đoàn còn được tham quan Chùa Côn Sơn – một trong những trung tâm Phật giáo của dòng Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Đây là Di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo cùng hòa đồng) với mục đích quy tụ nhân tâm, lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc. Chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ X và được mở rộng nguy nga đồ sộ vào thời Trần, thế kỷ XIII. Chùa được trang trí bằng những hình trạm khắc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cùng những giá trị tôn giáo đặc sắc. Chùa Côn Sơn hiện còn lưu giữ rất nhiều di vật và cổ vật có giá trị, trong đó có hệ thống văn bia có niên đại từ thế kỷ thứ XIII đến XVIII, tiêu biểu là tấm bia Thanh Hư Động, đây là ngự bút của vua Trần Duệ Tông viết tặng quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán – được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia (2015).

Hằng năm, Chùa Côn Sơn có hai mùa lễ hội, trong đó, Lễ hội mùa xuân diễn ra từ ngày 16-23/01 (Âm lịch), tưởng niệm ngày mất của Thiền sư Huyền Quang và Lễ hội mùa thu diễn ra từ ngày 16-20/8 (Âm lịch), tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Dâng hương và tham quan quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, được hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh tịnh, được nghe giới thiệu về các di tích, về những người anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới của đất nước, các thành viên trong đoàn có điều kiện tìm hiểu rõ hơn về lịch sử, giá trị tâm linh và văn hóa Việt Nam. Qua đó, càng thêm tự hào về truyền thống dựng nước, giữ nước và phát huy các giá trị di sản, văn hóa của dân tộc.

4

 TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chúc mừng Ban Nữ công và cán bộ, viên chức, giảng viên nữ của Học viện nhân ngày Quốc tế phụ nữ (08/3)

5

 TS. Vũ Thanh Xuân – Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Học viện chúc mừng đại diện Ban Nữ công và các cán bộ, viên chức, giảng viên nữ của Học viện

Sau lễ dâng hương và tham quan, BCH Công đoàn, Ban Nữ công Học viện đã tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ (08/3) tại Thành phố Chí Linh, Hải Dương. Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, TS. Đặng Xuân Hoan đã biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của Ban Nữ công và cán bộ, viên chức, giảng viên nữ của Học viện trong suốt thời gian qua, đồng thời, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của phụ nữ Học viện trong quá trình công tác cũng như trong cuộc sống. Giám đốc Học viện đã động viên các chị em khắc phục khó khăn, tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam nói chung và của phụ nữ Học viện nói riêng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực và xứng đáng với vai trò, vị trí của mình vào thành tích chung của Học viện cũng như trong cuộc sống gia đình./.

Đoàn Kim Huy

Comments are closed.