Lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới (ICM) tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hyderabad, bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) vừa diễn ra lễ vinh danh tên nhà toán học Việt Nam – GS Ngô Bảo Châu – cùng 1 nhà toán học người Pháp, 1 nhà toán học người Nga và 1 nhà toán học người Israel.
Trong 70 năm qua, mới chỉ có 11 nước vinh dự có công dân của mình được trao Giải thưởng Fields, trong đó chỉ có 3 người có quốc tịch châu Á, đều là người Nhật và có 2 người gốc Hongkong-Trung Quốc là Shing-Tung Yau (Quốc tịch Mỹ) và Terence Tao (Quốc tịch Úc).
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về sự kiện này, GS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đánh giá đây là một niềm vui đặc biệt đối với giới khoa học Việt Nam nói riêng và với 87 triệu người dân Việt Nam nói chung.
Sự kiện này phản ánh một thực tế là truyền thống đất nước Việt Nam luôn luôn có khả năng tư duy về toán học, giáo dục trong nước cũng có khả năng đào tạo rất tốt về toán học. GS Ngô Bảo Châu đã học tập dưới mái trường chuyên của ĐH Tổng hợp Hà Nội, những giải Olympic toán học quốc tế của GS hoàn toàn là những thành tựu của nền Giáo dục Việt Nam.
Mặt khác, sau khi tốt nghiệp THPT, GS Ngô Bảo Châu tiếp tục được đào tạo toán học tại Pháp, tức là được tiếp cận với nền toán học tiên tiến của thế giới.
Như vậy, có thể nói, với năng khiếu, truyền thống toán học của người Việt Nam và kinh nghiệm đào tạo học sinh giỏi, chúng ta hoàn toàn tin tưởng có thể tạo ra những hạt giống thiên tài toán học, để từ đó tiếp thu những thành tựu của khoa học thế giới. GS Ngô Bảo Châu thuộc vào danh sách số ít nhà toán học hàng đầu thế giới có tuổi đời dưới 40. Điều này có tính khích lệ rất lớn.
Cách đây tròn 3 năm, chúng ta chưa yên tâm là Việt Nam sẽ có một nền toán học mạnh. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, phải gấp rút xây dựng một chiến lược phát triển toán học. Và cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển Toán học Việt Nam 2010 – 2020.
Đây là một đề án thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ, có tính chất cơ bản, then chốt để làm bệ phóng đưa toán học Việt Nam lên tầm cao mới, khẳng định quyết tâm đưa toán học cũng như nền khoa học của Việt Nam trong 10 năm có bước phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần tạo ra nền tảng khoa học ứng dụng cho đất nước.
GS. TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, Phó Chủ tịch Phụ trách Quan hệ quốc tế Hội Toán học Việt Nam (Chủ nhiệm Bộ môn Đại số-Hình học-Tôpô, Khoa Toán, ĐHKHTN Hà Nội) cũng đánh giá, sự kiện GS Ngô Bảo Châu được trao giải Fields là một phần thưởng lớn, một niềm tự hào lớn không chỉ của cá nhân anh, mà của cả nền Toán học Việt Nam nói riêng, và cả nền khoa học Việt Nam nói chung.
“Tôi xin có lời chúc mừng chân thành nhất gửi tới anh Ngô Bảo Châu và gia đình anh”, GS Hưng nói.
GS Nguyễn Hữu Việt Hưng cho biết thêm GS Ngô Bảo Châu do trường phái Toán học Pháp đào tạo. Mấy năm gần đây GS Châu làm việc tại Viện Toán Princeton (Mỹ) và kể từ tháng 9 tới là Giáo sư của Đại học Chicago (Mỹ).
“Tôi hy vọng rằng, trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có giải thưởng Fields của một người Việt Nam đang làm việc tại một đại học hay viện nghiên cứu tại Việt Nam, do chính trường phái Toán học Việt Nam chúng ta đào tạo”, GS nói.
Theo GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước và GS Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học, năm 2004, GS Ngô Bảo Châu đã được trao Giải thưởng Toán học Clay danh giá cùng với người thầy là GS G. Laumon.
Sau khi chứng minh được “Bổ đề cơ bản”, một giả thuyết then chốt của Chương trình Langlands, GS Ngô Bảo Châu được trao Giải thưởng Oberwolfach của Đức, Giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (năm 2007). Công trình của GS Châu đã được tạp chí đại chúng có uy tín Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Tháng 6 vừa qua, công trình của GS Ngô Bảo Châu mang tên “Le lemme fondamental pour les algèbres de Lie” (Bổ đề cơ bản cho đại số Lie), dày 169 trang, đã được chính thức công bố trên tạp chí Publications Mathématiques de L’IHÉS, do NXB Springer phát hành.
Giải thưởng Fields được sáng lập bởi nhà toán học Canada John Charles Fields, lần đầu được trao vào năm 1936 và từ năm 1950 được trao đều đặn 4 năm 1 lần. Mục đích của giải thưởng là sự công nhận và hỗ trợ cho các nhà toán học trẻ đã có những đóng góp quan trọng cho toán học.
Sinh năm 1972, GS Ngô Bảo Châu từng là học sinh Chuyên toán – tin thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Trong hai năm 1988 và 1989 (học lớp 11 và 12), Ngô Bảo Châu đã giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) ở Canada và Đức và là học sinh Việt Nam đầu tiên giành được 2 Huy chương Vàng IMO. Năm 18 tuổi, Ngô Bảo Châu được Chính phủ Pháp cấp học bổng để theo học Đại học Paris 6. Hai năm sau, Ngô Bảo Châu quyết định thi vào hệ đào tạo tiến sĩ của Đại học Sư phạm Paris, trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp, nơi đã từng đào tạo nên những nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng như: Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thiêm, Trần Đức Thảo… , và đã đậu thủ khoa. Năm 25 tuổi, Ngô Bảo Châu bảo vệ luận án Tiến sĩ về Bổ đề cơ bản của Jacquet. Sau đó, làm việc trên một số bài toán khác và bảo vệ luận án habilitation (tương đương Tiến sĩ khoa học) ở độ tuổi 31. Năm 2005, Hội đồng chức danh GS Nhà nước Việt Nam đã xét đặc cách công nhận chức danh GS đối với Tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu. Vào thời điểm đó, ông là vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam. |