Hội thảo khoa học “Chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại”

(napa.vn) – Sáng ngày 17/01/2024, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại” thuộc Đề tài khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ hành chính phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2030”.

z5083144766846_c24b8bea86cba9cb34093cb8526d20a9

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía đại biểu Bộ Nội vụ có: PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ; ông Nguyễn Mạnh Tuyền, Vụ Cải cách Hành chính; ông Nguyễn Hoàng Anh, Vụ Cải cách Hành chính; ông Vũ Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước.

Về phía Văn phòng Chính phủ có ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; Bà Phan Thị Bích Thảo, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính; ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng phòng Nền tảng Dữ liệu số, Cục chuyển đổi số quốc gia.

Về phía các cơ quan ban ngành có ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Văn thư, Văn phòng Trung ương Đảng; GS. TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Chiến lược CĐS; TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Vinasa; PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Bộ thông tin và truyền thông; ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh văn phòng UBND quận Hòa Kiếm; ThS. Lưu Kiếm Anh, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, Nguyên Phó Giám đốc Học viện; NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện và các giảng viên, viên chức của Học viện.

z5083145253305_9880cecde093621ff3830b878c6bfbc6

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia khẳng định Hội thảo khoa học “Chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại” được tổ chức phục vụ thực hiện Đề tài khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ hành chính phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2030”, mã số: KC.01.03/21-30. Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”, mã số: KC.01/21-30, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính là đơn vị chủ trì theo ủy quyền của Học viện Hành chính Quốc gia.

Đề tài có nội dung nhiệm vụ lớn, phạm vi nghiên cứu rộng, yêu cầu thời gian ngắn để hoàn thành. Đồng thời tại các cơ quan, bộ ngành, địa phương cũng đang triển khai nhiều đề án, nghiên cứu liên quan. Vì vậy, Nhóm nghiên cứu cũng cần được sự tư vấn, gợi ý, góp ý về phạm vi, hướng nghiên cứu trọng tâm của Đề tài. Hội thảo khoa học đã nhận được nhiều sự quan tâm của các các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học ở trong và ngoài Học viện với gần 30 bài tham luận có chất lượng. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân thay mặt Ban tổ chức hội thảo gửi lời cảm ơn các quý vị đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện, các giảng viên trong và ngoài Học viện Hành chính Quốc đã dành thời gian quý báu đến dự và trình bày tham luận tại hội thảo.

z5083145937011_c5c8bad7175d01b36a0d3f08c16b268f

PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS.TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá cao nội dung mà nhóm nghiên cứu thực hiện và khẳng định tại ngành Nội vụ, quá trình chuyển đổi số diễn ra trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, từ đó góp phần cải cách nền hành chính nhà nước; Bộ Nội vụ đã tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Bộ trong Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Những thay đổi từ nhận thức đến hành động đã phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ – thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số. Bộ Nội vụ đã triển khai ngay khi có chủ trương, quyết liệt trong chỉ đạo và bước đầu đạt được những thành tựu, tạo sự bứt phá trong chuyển đổi số. Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầu của tiến trình này với những nỗ lực và kết quả rất đáng ghi nhận trong xây dựng nền tảng số (nhân lực số; hạ tầng pháp lý; cải cách hệ thống, tổ chức; dẫn dắt, định hướng xã hội chuyển đổi số); hạ tầng kỹ thuật; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong các ngành nền tảng, trọng điểm… Theo kế hoạch, lộ trình thực hiện, giai đoạn 2023-2025 này là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số.

z5083144478157_e60982c39a27f1e113879cfa0be90391

TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Vinasa trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Vinasa với tham luận “Từ chính quyền điện tử đến chính quyền số” đã đưa ra bản chất của chuyển đổi số, cụ thể có nhiều cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số. Từ cách hiểu đơn giản nhất là đồng nhất chuyển đổi số với số hóa văn bản giấy tờ và lưu chuyển các văn bản điện tử đó trên môi trường mạng, cao hơn thì đồng nhất chuyển đổi số với tin học hóa, đẩy mạnh ứng dụng CNTT cho đến các quan điểm cực đoan hơn coi chuyển đổi số là chuyển mọi hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân lên môi trường số; sự khác nhau giữa chính quyền số và chính quyền điện tử.

TS. Nguyễn Nhật Quang cũng đưa ra giải pháp để xây dựng chính quyền số đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia lưu trữ thông tin định danh về các đối tượng chủ chốt trong xã hội cùng với các công cụ xác thực tương ứng. Cùng với việc xây dựng các cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, nhất thiết phải tiến hành đồng bộ việc thay đổi nhận thực, đào tạo năng lực số cho toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức nhà nước và đặc biệt là xây dựng, mở rộng hành lang pháp lý một cách đồng bộ để điều chỉnh các giao dịch trên môi trường số…

z5083144459580_947e28da80655f5a9fd5382c5435b59f

ThS. Nguyễn Mạnh Tuyền, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Vai trò của chuyển đổi số trong quản trị nhà nước hiện đại” ThS. Nguyễn Mạnh Tuyền, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ khẳng định Quản trị nhà nước hiện đại là một khái niệm mới, xuất hiện trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sang kỷ nguyên số hóa. Quản trị nhà nước hiện đại không chỉ là việc sử dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà còn là việc đổi mới toàn diện cách thức tổ chức, vận hành, ra quyết định và cungcấp dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Quản trị nhà nước hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả và tínhminh bạch của hoạt động quản trị nhà nước, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Cụ thể, quản trị nhà nước hiện đại mang lại những lợi ích sau: Tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước: Chính phủ số giúp các cơ quan nhà nước tự động hóa các quy trình, thủ tục hành chính, từ đó giảm thiểuthời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, Chính phủ số cũng giúp các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, từ đó nâng cao hiệu quả phối hợp, xử lý công việc; Nâng cao tính minh bạch của hoạt động quản trị nhà nước: Chính phủ số giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước. Điều này góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước; Thúc đẩy sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình quản trị nhà nước: Chính phủ số tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Điều này góp phần nâng cao tính dân chủ và sự đồng thuận xã hội.

z5083144496032_3c5aa42f02fc25b4d7a05a0a783c744f

GS.TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo.

GS.TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội với tham luận “Thay đổi thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước – thách thức cần được quan tâm trong tiến trình chuyển đổi số” cho biết việc thay đổi thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước là vấn đề phức tạp, liên quan đến thay đổi về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. cơ cấu tổ chức, đội ngũ thực thi, nội dung, hình thức hoạt động, trình tự, thủ tục, hoạt động; chế độ công vụ, công chức; xác định lại biên chế, vị trí việc làm, yêu cầu về tiêu chuẩn năng lực; về thanh tra, kiểm tra, giám sát… Các chế định này thể hiện trong hệ thống các văn bản pháp lý rộng, phức tạp, bao gồm trong cả Hiến pháp và các văn bản luật quan trọng. Việc thay đổi này không chỉ yêu cầu dựa trên cơ sở khoa học được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ càng mà còn cần tuân thủ đầy đủ các trình tự của quy trình xây dựng, thông qua. Vì vậy việc thay đổi là vấn đề đòi hỏi tính thống nhất, đồng bộ cao, cần có thời gian và xác định lộ trình chuyển đổi để vừa phải thay đổi dần về bộ máy và con người mà vẫn phải đảm bảo cho việc vận hành liên tục, ổn định tương đối của bộ máy hành chính…

11-3-1500x998

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Hội thảo.

Đóng góp tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Yêu cầu và định hướng xây dựng dữ liệu mở của cơ quan nhà nước” PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân tích sự chuyển đổi từ dữ liệu số sang dữ liệu mở của cơ quan nhà nước như là yếu tố cốt lõi của xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Từ yêu cầu chung của xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu và từ thực tiễn thực hiện, PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh đặt ra một số định hướng giải pháp trong xây dựng và phát triển dữ liệu mở của cơ quan nhà nước như sau:

  • Nghiên cứu, nâng cao năng lực làm chủ khoa học và công nghệ về dữ liệu.
  • Kiến tạo thể chế, chính sách về dữ liệu
  • Tổ chức tạo lập, củng cố và hoàn thiện dữ liệu số..
  • Xây dựng hạ tầng dữ liệu số quốc gia.
  • Phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia trong một số lĩnh vực ưu tiên chiến lược.
  • Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

z5083144132346_b7e1c5cfc99665763335fda4117bb10b

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số trình bày tham luận tại Hội thảo.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số với tham luận “Mạng hóa hệ thống thông tin Văn thư – Lưu trữ, đặt nền tảng cho việc xây dựng chính phủ số”  đã đưa ra các yêu cầu đặt ra đối với mạng lưới liên kết văn thư – lưu trữ trong tiến trình xây dựng chính phủ số, cụ thể Một mạng lưới liên kết văn thư – lưu trữ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để đáp ứng tiến trình ra quyết định hiệu quả trong hệ thống hành chính quốc gia. Do vậy mạng lưới liên kết văn thư – lưu trữ cũng phải đáp ứng các yêu cầu tương thích với khung ra quyết định dựa trên dữ liệu được hình thành trong tiến trình xây dựng chính phủ số, với các yêu cầu:

(1) Định hình được với các bộ phận, các cấu trúc để thực hiện các chức năng hành chính dựa trên một tiến trình ra quyết định cộng hưởng được hiệu quả bởi sự thống nhất trong một chỉnh thể, toàn thể. Điều đó cho phép sự phản hồi đóng vai trò trung tâm trong hệ thống, là thông tin quay trở lại nguồn phát của nó để gây ảnh hưởng tới hành động tiếp theo của nơi phát, tạo ra được một “hệ thống phản hồi đa chiều kịp thời” để đáp ứng được việc quản trị quốc gia trong bối cảnh mới.

(2) Tạo lập được sự tương tác giữa các đơn vị cấu thành bộ máy hành chính trong sự tương thuộc với nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau và đảm bảo rằng mỗi quyết định hành chính trong bộ máy hành chính cũng đều phải đi cùng với những quyết định hành chính đồng bộ ở các đơn vị tương thuộc để đảm bảo tính hệ thống-đồng bộ-cộng hưởng của toàn bộ hệ thống như một chỉnh thể, toàn thể. Điều đó cho phép việc ra quyết định có thể thực hiện dựa trên dữ liệu, xây dựng được một hạ tầng dữ liệu đầy đủ, kịp thời và có tính phản hồi thấp do không có tính hệ thống.

(3) Hệ thống thủ tục hành chính nhờ có thể ra quyết định hành chính một cách thống nhất, đảm bảo được tính liên thông, cho phép các chu trình thủ tục hành chính có được sự thống nhất hạn chế sự thay đổi tối đa, đảm bảo các quy trình được quy định với sự ổn định cao, và sự phối hợp giữa các khâu đoạn trong cùng một quy trình, giữa các quy trình và trong tổng thể các quy trình được thực hiện một cách trật tự, không thừa, không lặp, không thiếu trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau cho phép tạo ra sự cộng hưởng tích cực và hiệu quả cho các quyết định được đưa ra. Hệ thống hành chính do vậy, có thể sử dụng hiệu quả những dữ liệu được số hóa với sự đồng bộ. Điều đó cho phép hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu này đáp ứng được các yêu cầu của dữ liệu để ra quyết định, tối ưu hóa việc thực thi của hệ thống.

Mạng lưới liên kết văn thư – lưu trữ này cũng phải đáp ứng những điều kiện mà tiến trình xây dựng chính phủ số đòi hỏi phải chuyển đổi hệ thống hành chính:

(1) Hình thành một xã hội có tính di động cao làm thay đổi cách thức quản trị xã hội từ quản lý các cá nhân, tổ chức theo khu vực, địa bàn, lĩnh vực, ngành nghề, chuyển sang quản trị đối tượng theo định danh cá nhân/tổ chức.

(2) Chuyển đổi sang quản trị theo cơ chế nền tảng, tức là chuyển từ các hệ thống thứ bậc sang các hệ thống ngang hàng, điều đó sẽ làm cho việc tiếp cận thông tin, kiểm tra thông tin, loại bỏ các rào cản tương tác nhiều hơn, thúc đẩy sự minh bạch của thông tin, của các quy trình quản trị nhà nước, đòi hỏi hệ thống hành chính phải chuyển đổi tương ứng.

(3) Sự kết hợp giữa người-máy (H2M) làm cho việc ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên cơ sở dữ liệu, điều này đòi hỏi hệ thống hành chính phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tiếp cận hiệu quả với các cơ sở dữ liệu và đặc biệt là vai trò của trí tuệ.

14-1-1500x998

TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chia sẻ tại Hội thảo.

IMG_6024

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

z5083144155419_212e046b4ed1314208211d579fe8bf89

 TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu về những vấn đề chung về chính phủ số trong quản trị nhà nước hiện đại; yêu cầu xây dựng dữ liệu số và tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham gia Hội thảo. Đây là những ý kiến rất quan trọng, thiết thực, có tính chất gợi mở để Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu, tổng hợp, định hướng nghiên cứu, hoàn thiện. Qua đó, có những tham vấn thiết thực, hiệu quả trong quá trình xây dựng nền quản trị nhà nước hiện đại, cơ sở lý thuyết về xây dựng thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ hành chính trong phát triển chính phủ số và đánh giá mức độ phát triển của Chính phủ số.

Phạm Hải Long

Comments are closed.