Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tổ chức Hội thảo “Giám sát quyền lực nhà nước trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4”

Ngày 13/11/2018, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề  “Giám sát quyền lực nhà nước trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc Học viện;  TS. Dương Thanh Mai – Bộ Tư pháp; GS.TS. Trần Ngọc Đường – Văn phòng Quốc hội; GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, GS.TS. Nguyễn Minh Đoan – Đại học Luật Hà Nội; GS.TS Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Phạm Hồng Thái, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, PGS.TS. Vũ Công Giao, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng toàn thể viên chức, giảng viên, người lao động của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở và đại diện các học viên đang học tập tại Học viện.

1

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu chủ trì Hội thảo 

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở nhấn mạnh: Giám sát là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước trong xã hội dân chủ, hướng tới điều chỉnh việc tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước trên cơ sở phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, chất lượng dân chủ của xã hội đang được thay đổi. Sự thay đổi đó được đo bằng sự chuẩn bị thông tin, cung cấp thông tin đầy đủ, đa chiều, có thực chất và bằng sự thảo luận, chất vấn các vấn đề được nêu ra một cách thấu đáo, thu hút người dân tham gia. Từ bối cảnh đó, nội dung và phương thức giám sát quyền lực nhà nước trong bối cảnh mới cũng cần phải được nghiên cứu để có những giải pháp nhằm phòng, chống sự lạm dụng quyền lực nhà nước, phát huy dân chủ và bảo đảm  quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Từ nhận thức đó, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đề nghị các đại biểu tham dự tích cực trao đổi các nội dung có liên quan đến chủ đề Hội thảo, từ đó đưa ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để việc giám sát quyền lực nhà nước phát huy được hiệu quả thực chất trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

2

3

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở phát biểu đề dẫn Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày các tham luận và có nhiều ý kiến tâm huyết trao đổi tại Hội thảo. Các ý kiến trao đổi tập trung phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau ở cả phương diện lý luận và thực tiễn về giám sát thực thi quyền lực nhà nước, đặc biệt đã có nhiều ý kiến đề xuất về các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

4

Quang cảnh Hội thảo 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu trân trọng cám ơn các đại biểu tham dự đã có những tham luận và ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc về chủ đề Hội thảo. Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở khẳng định, mặc dù quy mô, ảnh hưởng của Hội thảo có thể còn rất khiêm tốn so với tầm vóc to lớn của mục tiêu đổi mới và chủ đề phát huy hiệu quả giám sát quyền lực nhà nước, song kết quả của Hội thảo có giá trị rất thiết thực nhất định đối với quá trình nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng và ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Việt Nam nói chung. Qua đó, góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giám sát thực thi quyền lực nhà nước của nhân dân. 

Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở

Comments are closed.