Toàn văn Báo cáo Kết quả tổ chức Hội nghị EROPA 2014

Sáng ngày 03/11/2014, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội nghị EROPA đã tổ chức Lễ tổng kết, TS. Lê Như Thanh – Phó Giám đốc Thường trực Học viện đã đến dự  và trình bày Báo cáo Kết quả tổ chức Hội nghị EROPA. Cổng thông tin điện tử Học viện Hành chính Quốc gia trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của TS. Lê Như Thanh tại Lễ tổng kết Hội nghị:

– Kính thưa TS. Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nghị EROPA 2014;
– Kính thưa các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức Hội nghị EROPA 2014;
– Thưa các đồng chí và các bạn!
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao theo thông báo tại Công văn số 7263/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức cuộc họp Hội đồng lần thứ 60 và Hội nghị thường niên của Tổ chức Hành chính Miền Đông Thế giới (EROPA) 2014, từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 10 năm 2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội và Quyết định số 3932/BNV-HTQT của Bộ Nội vụ giao Học viện Hành chính Quốc gia thường trực tổ chức Hội nghị EROPA 2014, Học viện Hành chính Quốc gia kính báo cáo kết quả tổ chức Hội nghị EROPA 2014 như sau:
1. Về công việc đã thực hiện
1.1. Tổng số đại biểu tham dự
Có 426 đại biểu, trong đó 293 đại biểu trong nước và 133 đại biểu quốc tế đã tham gia Hội nghị. Tham gia Hội nghị có 50 đại biểu các cơ quan Đảng, Chính phủ, cơ quan ngang bộ trong đó có 22 đại biểu cấp Thứ trưởng trở lên (lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam…). Đại biểu lãnh đạo địa phương: 27 đại biểu, đại biểu các Học viện, các cơ sở đào tạo cán bộ của các bộ ngành: 20 đại biểu, các cơ quan thông tấn báo chí: 20 đại biểu, đại biểu Bộ Nội vụ: 66 đại biểu, đại biểu Học viện Hành chính Quốc gia: 109 đại biểu.
133 đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị, đại biểu đến từ các nước: Australia, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nepal, Singapore, Thái Lan, Philippines và đại diện Đại sứ quán và cơ quan ngoại giao đóng tại Việt Nam.
1.2. Chương trình Hội nghị
Hội nghị diễn ra theo kế hoạch, từ 19 đến 24 tháng 10 năm 2014, theo đúng chương trình dự kiến. Chủ đề chính của Hội nghị: “Hành chính công và Quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu”.
Bốn tiểu chủ đề được thảo luận sâu trong Hội nghị gồm:
Tiểu chủ đề 1: Các vấn đề chuyên môn và thách thức của nền Hành chính công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu.
Tiểu chủ đề 2: Các phương thức quản trị trong bối cảnh các xã hội được kết nối.
Tiểu chủ đề 3: Cải cách khu vực công và đổi mới trong các xã hội hội nhập.
Tiểu chủ đề 4: Tương lai của Hành chính công và Quản trị công trong một thiết chế khu vực và toàn cầu.
Chiều 23/10: Đại biểu tham quan Thủ đô Hà Nội.
Ngày 24/10: Tham quan Hạ Long. Sauk hi đi thăm vịnh, đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh. Đoàn đã nghe đồng chí Vũ Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trình bày về những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, cải cách hành chính và đổi mới hệ thống công vụ của tỉnh.
1.3. Tham luận Hội nghị
Hội nghị đã vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự, phát biểu khai mạc Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Tại phiên bế mạc, TS. Lê Như Thanh – Phó Giám đốc Thường trực Học viện Hành chính Quốc gia đã phát biểu tổng kết Hội nghị và TS. Trần Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách, điều hành Học viện Hành chính Quốc gia đã phát biểu bế mạc Hội nghị.
Gần 70 đại biểu đã trình bày tham luận tại Hội nghị. Trong đó, phiên toàn thể: 20 tham luận trong đó có 13 tham luận của các tác giả nước ngoài và 07 tham luận của các tác giả Việt Nam.
Thảo luận tại các phiên đồng thời:
– Tiểu chủ đề 1: 12 bài, trong đó có 07 bài nước ngoài, 05 bài Việt Nam
– Tiểu chủ đề 2: 15 bài, trong đó có 13 bài nước ngoài, 02 bài Việt Nam
– Tiểu chủ đề 3: 12 bài, trong đó có 10 bài nước ngoài, 02 bài Việt Nam
– Tiểu chủ đề 4: 06 bài, toàn bộ của các tác giả nước ngoài
Ngoài ra còn có trên 30 tham luận được gửi tới Hội nghị và dự kiến được đưa vào kỷ yếu Hội nghị.
2. Đánh giá chung
2.1. Kết quả đạt được
Thứ nhất, Hội nghị đã diễn rat rang trọng, an toàn, theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng chuyên môn, công tác đón tiếp hỗ trợ các đại biểu ân cần, chu đáo. Công tác tổ chức Hội nghị được lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Ban Thư ký EROPA, các đại biểu trong nước và quốc tế biểu dương và đánh giá cao.
Thứ hai, Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và tham gia của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, của đông đảo các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các học giả đến từ các cơ quan quản lý, các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Thứ ba, Bộ Nội vụ với tư các cơ quan chủ trì Hội nghị, trong đó Học viện Hành chính Quốc gia với tư các cơ quan thường trực tổ chức Hội nghị đã thể hiện rõ vị thế, vai trò chủ động, tích cực của nước chủ nhà cả trong công tác chuẩn bị, tổ chức Hội nghị cũng như trong các hoạt động trình bày tham luận, chủ trì, điều hành thảo luận tại Hội nghị.
Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền của Hội nghị được thực hiện đầy đủ trước, trong và sau Hội nghị với 06 đài truyền hình Trung ương và Hà Nội, gần 50 báo, tạp chí, trang thông tin điện tử Trung ương và địa phương đã đưa tin về Hội nghị.
Thứ năm, kết quả của Hội nghị đã khẳng định và đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong cộng đồng các tổ chức, các nhà khoa học và thực tiễn hành chính công quốc tế, là cơ hội để giới thiệu các thành tựu cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Thành công của Hội nghị đã góp phần thiết thực thắt chặt hơn nữa các hoạt động hợp tác, liên kết trong cải cách hành chính, quản trị công giữa các nước trong khu vực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
2.2. Bài học kinh nghiệm
Thành công của Hội nghị là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát và ủng hộ tích cực của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan; sự huy động, tham gia của tổng thể các nguồn lực. Từ thành công của Hội nghị, chúng tôi có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, thông qua kết quả Hội nghị đã khẳng định trách nhiệm, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và tạo điều kiện trên nhiều phương diện của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Hai là, sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát, sự tạo điều kiện đầy hiệu quả của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Hội nghị, sự huy động tổng thể các nguồn lực, động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho thành viên các tiểu ban hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch; kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh.
Ba là, sự ủng hộ, hỗ trợ giúp đỡ của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội nghị, đại diện các bộ ngành và địa phương, như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông…Đặc biệt là Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ đón tiếp đoàn, bố trí chương trình làm việc phong phú, giàu ý nghĩa, chuyển tải tới các đại biểu quốc tế những thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước, chuyển tải hình ảnh của một đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống, yêu hòa bình, thân thiện, năng động và đổi mới.
Bốn là, sự tham gia chủ động, tích cực của các học giả và các nhà quản lý tại các bộ ngành và địa phương, đảm bảo tính khoa học và sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn của Hội nghị.
Năm là, công tác chuẩn bị nội dung, báo cáo, hậu cần, lễ tân, đón tiếp đại biểu trong nước và quốc tế, thông tin, tuyên truyền, thư ký, an ninh, y tế…được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu Hội nghị, thể hiện được nội dung chính, đảm bảo chất lượng tham luận, thảo luận, trao đổi trong Hội nghị đồng thời đảm bảo công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra sơ xuất đáng tiếc.
Sáu là, sự phối kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa Bộ Nội vụ với tư cách cơ quan chủ trì Hội nghị và Học viện Hành chính Quốc gia với tư cách cơ quan thường trực tổ chức Hội nghị với Ban Thư ký EROPA. Huy động được các học giả và các nhà quản lý có uy tín trong khu vực, tận dụng được kinh nghiệm tổ chức hội nghị quốc tế của Ban Thư ký EROPA đồng thời phát huy được tính chủ động của nước chủ nhà.
Bảy là, cách thức tổ chức và phân công công việc rõ rang, cụ thể; tạo điều kiện cho các thành viên các tiểu ban chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ và thông suốt giữa các đơn vị chức năng, các tiểu ban tham gia hỗ trợ, tổ chức và tư vấn cho Hội nghị.
Tám là, sự tham gia nhiệt tình, tận tâm, chuyên nghiệp và có trách nhiệm của tất cả các thành viên các tiểu ban, tổ tư vấn, tình nguyện viên tham gia chuẩn bị và hỗ trợ Hội nghị. Các tiểu ban thường xuyên trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm kịp thời nên công tác tổ chức công việc thông suốt, nhịp nhàng, thống nhất và góp phần đạt kết quả chung của Hội nghị.
3. Công việc tiếp theo
Để phát huy kết quả Hội nghị, làm tiền đề cho các hoạt động khoa học tiếp theo, Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất tiếp tục triển khai một số việc sau đây:
Một là, tiếp tục tập hợp tài liệu của Hội nghị để xây dựng kỷ yếu Hội nghị phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu về hành chính và quản lý nhà nước.
Hai là, trên cơ sở kết quả Hội nghị, xây dựng định hướng tiếp theo cho công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính Quốc gia.
Ba là, hoàn thành video clip của Hội nghị.
Bốn là, Tạp chí Quản lý Nhà nước tổ chức tuyên truyền về thành công của Hội nghị và chọn đăng tải các tham luận chất lượng ở số tháng 11 năm 2014 và các số tiếp theo của Tạp chí.
Năm là, phát huy thành công của Hội nghị, tiếp tục trao đổi về sự tham gia tiếp theo của Bộ Nội vụ và Học viện Hành chính Quốc gia vào các diễn đàn quốc tế về khoa học hành chính công và quản trị công, để tiếp tục đảm bảo sự tích cực, chủ động của Bộ Nội vụ và Học viện trên các diễn đàn quốc tế.
Sáu là, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp cho thành công của Hội nghị.
Bảy là, hoàn tất công tác thanh quyết toán sau Hội nghị đúng quy định hiện hành.
Trên đây là báo cáo sơ kết Hội nghị EROPA 2014 do Bộ Nội vụ chủ trì và Học viện Hành chính Quốc gia thường trực tổ chức.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe các đồng chí./.

(Trần Toàn Trung)

Comments are closed.