(napa.vn) Sáng ngày 24/10/2023, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Quản lý phát triển đô thị bền vững – từ lý luận đến thực tiễn”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, có: GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng, nguyên Vụ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng; kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; TS. Đào Thị Như, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng. TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viêntrong và ngoài Học viện và Khoa Quản lý xã hội. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh nhấn mạnh, vai trò của các đô thị ngày càng trở nên quan trọng, là trung tâm thúc đẩy sự tăng trưởng quốc gia về mọi mặt. Thế kỷ XXI được xem như là thiên niên kỷ của đô thị khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chưa từng có. Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định, đô thị đóng góp cho 80% sự tăng trưởng của thế giới trong tương lai. Tại Việt Nam, kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, riêng Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% GDP.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh nêu lên thực trạng tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự bùng nổ dân số đã đặt gánh nặng lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng cho các đô thị, làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề, như: tắc nghẽn giao thông, thiếu nhà ở, thiếu việc làm, thiếu dịch vụ y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường… Các “khủng hoảng đô thị” đặt ra vấn đề phải có một chính sách phát triển tiến bộ về kinh tế – xã hội, văn hóa, môi trường và cần phải xác định giá trị cốt lõi của phát triển đô thị là gì? Vì vậy, lý thuyết “phát triển bền vững” được đưa vào trong quá trình phát triển đô thị nhằm xác định hướng đi cho các đô thị hiện nay và trong tương lai để giúp giảm thiểu các rủi ro, tiêu cực cũng như nắm bắt được các cơ hội phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa.
Hội thảo: “Quản lý phát triển đô thị bền vững – từ lý luận đến thực tiễn” được tổ chức với mong muốn đánh giá những kết quả quản lý, những khó khăn, thách thức mà quản lý đô thị đang gặp phải để tìm ra cách giải quyết và đề xuất các giải pháp cho đô thị Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.
GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng, nguyên Vụ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng khẳng định : Phát triển bền vững là xu thế của nhân loại. Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, công tác quản lý đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị, nhất là quản lý chất lượng quy hoạch đô thị. Thực trạng thời gian qua Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong công tác quy hoạch đô thị. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập, nhiều khu vực đô thị được xây dựng, chất lượng nhiều đô thị được nâng cao, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội, đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42%. Toàn bộ 898 đô thị ở Việt Nam đã được lập quy hoạch chung, đây là những định hướng cơ bản để chỉ đạo các đô thị phát triển trong tương lai.
Qua nghiên cứu khảo sát GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng đã nêu rõ những tồn tại ở Việt Nam, trong Nghị quyết số 06-NQ/TW năm 2022, Bộ Chính trị đã chỉ ra những bất cập cơ bản như “Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện”. Các hạn chế về quy hoạch đô thị có thể thấy rõ trong nhiều khía cạnh, từ phương pháp, quy trình đến nội dung quy hoạch, kể cả công tác đánh giá hiện trạng, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật và dự báo phát triển.
GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch đô thị phát triển bền vững, cụ thể:
Thứ nhất: về phương pháp và nội dung quy hoạch, cần đổi mới theo định hướng quy hoạch chiến lược, thay vì cách làm theo quy hoạch tổng thể với những yêu cầu cơ bản
Thứ hai: Cần có sự liên kết giữa các đô thị tại các vùng, miền tạo thành một hệ thống đô thị đồng bộ, nhất là về hạ tầng khung; quan tâm đến các loại hình chức năng và không gian đô thị, kể cả không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị. Quan tâm đầy đủ đến các tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ ba: Quy hoạch đô thị cần được lập theo hướng đa ngành và tích hợp. Tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội (của cả 3 khu vực kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp và xây dựng; thương mại, dịch vụ), định hướng phát triển giao thông, sử dụng đất, tài nguyên, môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… cần được tích hợp trong một hồ sơ quy hoạch, do chủ nhiệm đồ án tổng hợp. Các nội dung này có thể được đề xuất bởi các lĩnh vực chuyên môn, các chuyên ngành khác nhau nhưng không có các quy hoạch riêng, được thống nhất bởi tất cả các ngành, lĩnh vực trong một hồ sơ tổng hợp, trước khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Thứ năm: Xác định được xu thế phát triển trên thực tế của các đô thị theo từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển.
Thứ : Các phương án phát triển đô thị căn cứ vào việc sử dụng và quản lý tài nguyên. Nguồn tài nguyên cần được xác định cụ thể trong các đồ án quy hoạch, việc khai thác tài nguyên cho giai đoạn hiện tại và tương lai, khai thác triệt để những nguồn tài nguyên có thể tái chế và hạn chế sử dụng những nguồn tài nguyên không tái tạo được. Việc sử dụng tài nguyên cần giới hạn trong ngưỡng cho phép.
Thứ bảy: Quy hoạch đô thị phải tuân thủ các quy hoạch cấp trên, ưu tiên thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị theo các chiến lược, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo tốt việc sử dụng đất, nhất là kiểm soát việc mở rộng đô thị và chuyển đổi đất nông thôn thành đất đô thị.
Thứ tám: Linh hoạt khi có sự thiếu thống nhất giữa các loại văn bản đối với lập đồ án quy hoạch do hiện nay nước ta đang có nhiều loại văn bản cần đáp ứng.
Thứ chín: Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc, ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số, nền tảng số, cung cấp được theo nhu cầu của công tác quy hoạch đô thị
Thứ mười: Huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng dân cư cùng có hành động chung vì những mục đích cụ thể.
TS. Đào Thị Như, Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tham luận tại Hội thảo.
TS. Đào Thị Như với tham luận “Quản lý phát triển đô thị thực trạng, thách thức và những định hướng” đã chỉ ra khu vực đô thị ngày càng khẳng định là nơi định cư hấp dẫn. Các quốc gia phát triển thường có tỷ lệ đô thị hóa cao trong khi các quốc gia đang phát triển ngày càng quan tâm hơn đến ban hành những chính sách để thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Để đô thị phát huy vai trò của mình, quản lý phát triển đô thị chính là nền tảng và là điều kiện quan trọng. Quản lý phát triển đô thị là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất đối với phát triển đô thị bởi đây là cơ sở, chỗ dựa thiết yếu để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển. Đô thị Việt Nam đã thụ hưởng thành quả tích cực của quá trình đô thị hóa thời gian qua nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức để phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn trong thời gian tới. Do vậy để đạt được mục tiêu này không thể thiếu vai trò của quản lý phát triển đô thị hiệu quả. Quản lý phát triển đô thị đóng góp vai trò quan trọng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa hiệu quả theo quy hoạch và các mục tiêu phát triển đô thị được đặt ra. Không có một quốc gia, đô thị nào có sự phát triển đô thị tốt mà thiếu vắng công tác quản lý phát triển đô thị hiệu quả. Quản lý phát triển đô thị là một công tác phức tạp bởi yêu cầu khả năng điều tiết, quản lý đồng bộ rất nhiều lĩnh vực thuộc đa ngành khác nhau. Do vậy việc phân loại, phân cấp độ quản lý để phù hợp với các đặc thù đô thị, với vai trò, chức năng, vị trí, điều kiện kinh tế, xã hội, năng lực của chính quyền đô thị có thể hỗ trợ cho công tác này mang tính thực tiễn. Tuy nhiên, quản lý phát triển đô thị hiệu quả không phải chỉ là công việc của Chính quyền đô thị mà còn là sự phối hợp nhuần nhuyễn của các tổ chức, giữa chính quyền – đối tác phát triển – người dân. Quản lý phát triển đô thị hiện đại còn cần sự hỗ trợ của giải pháp công nghệ để tăng cường tính liên kết và minh bạch.
Tham luận tập trung phân tích những mục tiêu cơ bản của quản lý phát triển đô thị hướng đến, như: (1) Cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ. (2) Nhà ở có giá cả phải chăng. (3) Bảo vệ tài nguyên tự nhiên, phát triển bền vững về môi trường và thúc đẩy mô hình phát triển đô thị bền vững. (4) Bảo tồn và nhận dạng văn hóa.
TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính.
TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đóng góp ý kiến tại Hội thảo, cho rằng vấn đề quy hoạch bền vững và quản lý đô thị bền vững liên quan mật thiết với nhau; trong đó, cơ sở dữ liệu rất quan trọng để quản lý đô thì bền vững. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Thị Hường, môi trường, mức sống, an sinh xã hội là 3 yếu tố rất cốt lõi để phát triển đô thị bền vững.
TS. Nguyễn Viết Định, giảng viên Khoa Quản lý xã hội trình bày tham luận.
TS. Nguyễn Viết Định tham luận tại Hội thảo nội dung: “Quản lý rủi ro thiên tai trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị” đã khẳng định hiểm họa từ thiên nhiên là một yếu tố tác động khó lường, khó dự báo trước và trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Vấn đề đó luôn là rào cản, thách thức lớn đối với các nước nghèo và đang phát triển đặc biệt như Việt Nam chúng ta, nước chịu ảnh hưởng nhiều về điều kiện tự nhiên; vị trí địa lý, biến đổi khí hậu… Quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị thiếu kiểm soát, các đồ án quy hoạch đô thị yếu, thiếu các phân tích về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội càng làm gia tăng cho đô thị bị thiệt hại nặng hơn trong trường hợp thiên tai xảy ra như động đất, bão, lũ lụt… Đây là vấn đề bài viết đề cập nhằm chú trọng quản lý rủi ro thiên tai trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. TS. Nguyễn Viết Định cũng đưa ra các giải pháp phòng ngừa thiên tai trong quy hoạch phát triển đô thị cụ thể: (1) Xác định và đánh giá rủi ro để xây dựng kịch bản quy hoạch phát triển đô thị đặt được mục tiêu phát triển đo thị bền vững; (2) Cần xây dựng và phát triển các khung khổ thể chế đủ mạnh để kiểm soát phát triển đô thị trước những nguy cơ bị tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng cực đoan của thời tiết; (3) Quản lý hệ thống thông tin về địa lý (GIS), các công trình, cơ sở vật chất phải được tích hợp dữ liệu đầy đủ; (4) Dự báo khả năng phục hồi và tái thiết sau thiên tai nhằm khôi phục lại các điều kiện sinh sống cho người dân.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học. Các ý kiến đều tập trung vào việc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất trong quản lý phát triển đô thị hướng tới bền vững. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh thay mặt cán bộ, giảng viên của Khoa gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các nhà khoa học đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn về nội dung Hội thảo. Hội thảo cũng cơ hội để các giảng viên của khoa có thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức về quản lý phát triển đô thị để đưa vào bài giảng những lý luận cũng như thực tiễn về quản lý phát triển đô thị cho học viên và sinh viên trong thời gian tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Phạm Hải Long