(napa.vn) – Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong hoạt động văn phòng, văn thư, lưu trữ, đặc biệt với các nền tảng công nghệ số là xu thế toàn cầu. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030 đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp mạnh mẽ về chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức...
Đặt vấn đề
Bối cảnh hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Văn thư – Lưu trữ và Quản trị văn phòng (QTVP) tại Học viện Hành chính Quốc gia. Khoa Lưu trữ học và QTVP là khoa chuyên môn được thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại từ Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính và Khoa Văn thư, Lưu trữ; Khoa QTVP của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội với chức năng chính là đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tư vấn về văn bản, công nghệ hành chính, thủ tục hành chính, văn thư, lưu trữ, QTVP, văn hóa công vụ. Với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, là các phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đại học, trong nhiều năm qua, Khoa đã đạt được những kết quả nghiên cứu và giảng dạy được ghi nhận. Để duy trì sự bền vững về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo, trong thời gian tới, Khoa Lưu trữ học và QTVP tiếp tục xác định những định hướng quan trọng về nghiên cứu và giảng dạy.
Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đối số tới văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng
Công tác văn thư, lưu trữ và QTVP với vai trò đầu mối tham mưu tổng hợp, tổ chức các hoạt động phục vụ cho sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, bảo đảm nguồn thông tin cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, cần luôn được hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin mang tính toàn cầu có những tác động lớn đối với chính phủ ở các quốc gia hiện nay.
Trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ, phần lớn các văn bản, tài liệu giấy hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đã được thay thế bằng văn bản điện tử, hình thành các cơ sở dữ liệu và hồ sơ điện tử đưa vào lưu trữ. Đối với khối tài liệu lưu trữ giấy hình thành giai đoạn trước đang được các cơ quan nhà nước số hóa chuyển thành các cơ sở dữ liệu số phục vụ khai thác trên môi trường số. Nhu cầu tìm kiếm, khai thác và chia sẻ thông tin, tài liệu sẽ gia tăng.
Các tài liệu lưu trữ không chỉ đóng vai trò là bộ nhớ của quốc gia, dân tộc mà còn là tài nguyên thông tin chung của nhân loại, là một bộ phận cấu thành nền tảng của xã hội thông tin. Nhu cầu chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ trong CMCN 4.0 sẽ không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Quy mô, nhu cầu tiếp cận, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ ngày càng gia tăng. Việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ không chỉ trong phạm vi quốc gia mà sẽ là toàn cầu. Như vậy, lưu trữ điện tử đã và đang len lỏi, đan xen, thay thế cho lưu trữ truyền thống.
Đối với công tác văn phòng, đổi mới tổ chức và hoạt động văn phòng cơ quan, tổ chức theo hướng hiện đại hóa là tất yếu, khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các chức năng nhiệm vụ của văn phòng ở mức độ cao hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chức năng cơ bản của văn phòng cần phải chuyển hẳn từ chức năng phục vụ công việc hành chính sự vụ sang chức năng chủ yếu là tổ chức và sử dụng được mạng lưới thông tin theo dạng ma trận đan xen, xử lý thông tin, phân tích, dự báo, hỗ trợ cho lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, sáng tạo, nhằm đạt hiệu quả cao trong công việc.
Vị trí hoạt động của văn phòng cũng theo hướng di động, linh hoạt chứ không phải chỉ ở một nơi nhất định. Các khái niệm mới trong công tác văn phòng cũng được hình thành như văn phòng điện tử (e-office), văn phòng không giấy (paperless office), văn phòng số (digital office), văn phòng ảo (virtual office), văn phòng mở (open office). Đây là các mô hình của văn phòng hiện đại với những đặc trưng chung, đó là văn phòng áp dụng kết hợp viêc xây dựng cơ sở vật chất, sử dụng trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học – công nghệ, các công cụ quản lý chất lượng và tác nghiệp nghiệp vụ văn phòng một cách có hiệu quả.
Một số công trình nghiên cứu về văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng
Những năm gần đây, giảng viên Khoa Lưu trữ học và QTVP đã có nhiều công trình nghiên cứucó liên quan trực tiếp đến chương trình đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành đào tạo của khoa, như: Xây dựng hệ thống công cụ xác định giá trị tài liệu của các trường đại học Việt Nam (Luận án tiến sỹ Lưu trữ học của Trần Thị Loan, 2019); Tổ chức sử dụng văn bản trong cơ quan nhà nước (Luận án tiến sỹ Quản lý công của Nguyễn Thị Lan Anh, 2018), Hoàn thiện công tác tham mưu của cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương (Luận án tiến sỹ Quản lý công của Lê Ngọc Hồng, 2019); Đánh giá và tổ chức sử dụng văn bản trong quản lý (sách chuyên khảo, Nguyễn Thị Thu Vân chủ biên, 2020); Kỹ năng quản lý và điều hành tổ chức công (sách chuyên khảo, Nguyễn Thị Hà chủ biên, 2020); Lý luận và thực tiễn về tổ chức, quản lý lưu trữ cấp tỉnh ở Việt Nam (sách chuyên khảo, Nguyễn Mạnh Cường chủ biên, 2021); Lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Văn phòng cấp bộ (sách chuyên khảo, Nguyễn Mạnh Cường chủ biên, 2022); Quan hệ công chúng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước – Lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo, Nguyễn Thị Hà, Phạm Thị Diễm đồng chủ biên, 2019), Quản trị truyền thông của chính quyền địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam (sách chuyên khảo, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Quỳnh Nga, 2021); Nghiên cứu hiệu quả công bố tài liệu lưu trữ tại Việt Nam (Luận án tiến sỹ Lưu trữ học của Trần Việt Hà, 2020); Sổ tay hướng dẫn soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các cấp (sách chuyên khảo, Phạm Thị Ninh chủ biên, 2022); Cơ sở khoa học xây dựng, hoàn thiện chế độ đối với viên chức lưu trữ ở Việt Nam giai đoạn hiện nay (sách chuyên khảo, Nguyễn Thị Thanh Hương, 2022); Nghiên cứu hoàn thiện thể chế sử dụng tài liệu lưu trữ ở Việt Nam (Luận án tiến sỹ Lưu trữ học của Lâm Thu Hằng, 2023)…
Những vấn đề nghiên cứu mới về lưu trữ, sở hữu tài liệu lưu trữ, mô hình lưu trữ được quan tâm nghiên cứu, như: Tài liệu lưu trữ có xuất xứ cá nhân gia đình dòng họ (Đề tài cấp Bộ, 2019); Hoàn thiện quy định về sở hữu tài liệu lưu trữ ở Việt Nam hiện nay (Đề tài cấp Bộ, 2019); Cơ sở khoa học xây dựng mô hình lưu trữ tư nhân ở Việt Nam (Đề tài cấp Bộ); Thiết kế tổ chức lưu trữ cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay (Nguyễn Mạnh Cường, Tạp chí Văn thư – Lưu trữ Việt Nam, 2019); Số hóa tài liệu Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm – Cơ hội và thách thức” (Trần Thị Loan và Nguyễn Thị Ngọc Mai, 2017. Hội thảo Lưu trữ Ma-ri-bor – I-ta-li-a tổ chức); Lưu trữ tư nhân ở Việt Nam: Thành tựu, thách thức và định hướng phát triển (Trần Việt Hà, Hội thảo quốc tế, 2023).
Nhiều nghiên cứu gắn với phục vụ thực tiễn tại cơ sở đào tạo đại học nói chung và của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nói riêng, như: Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ trong các trường đại học Việt Nam (Trần Thị Loan, Tạp chí Khoa học Nội vụ, 2018); Giá trị tài liệu lưu trữ của các trường đại học Việt Nam – Nhìn từ góc độ quản lý (Trần Thị Loan, Tạp chí Lưu trữ và Thời đại, 2021); Vai trò của hồ sơ, tài liệu lưu trữ trong phòng, chống tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam (Trần Thị Loan, Nguyễn Hà Trang, Tạp chí Lưu trữ và Thời đại, 2022); Chuẩn hóa hồ sơ công việc tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (Đề tài cấp Trường của Trịnh Thị Năm, 2021)…
Trước yêu cầu đặt ra của chuyển đổi số quốc gia, một loạt các nghiên cứu mới của Khoa liên quan đến lĩnh vực văn thư, lưu trữ và QTVP, như:
(1) Các đề tài khoa học: Đổi mới tổ chức và hoạt động của Văn phòng Bộ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hành chính (Đề tài khoa học cấp Bộ, Nguyễn Mạnh Cường chủ nhiệm, 2020); Quản lý và sử dụng văn bản điện tử tại Học viện Hành chính Quốc gia (Đề tài cấp cơ sở của Nguyễn Thị Hà, 2019); Hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản điện tử (Đề tài cấp cơ sở của Phạm Nguyên Nhung, 2020); Chữ ký số và giải pháp chứng thực chữ ký số trong các cơ quan hành chính nhà nước, 2019 (Đề tài cấp cơ sở của Nguyễn Thị Quế Hương); Một số giải pháp chuyển đổi số trong công tác văn thư, lưu trữ tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Đề tài khoa học cấp tỉnh, Nguyễn Thị Thanh Hương chủ nhiệm, 2023); Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ hành chính phù hợp với Chiến lược phát triển Chính phủ số đến năm 2030 (Đề tài khoa học cấp quốc gia, Nguyễn Thị Thu Vân chủ nhiệm, 2023)…
(2) Bài báo khoa học trên các tạp chí và Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chuyển đổi các hình thức tổ chức giải quyết văn bản trong cơ quan nhà nước (Nguyễn Thị Thu Vân, 2019, Hội thảo quốc tế); Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong xu hướng xây dựng nền hành chính phục vụ (Vũ Thị Hương Thảo, 2019, Hội thảo quốc tế); Nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến (Lê Thị Thu Thủy, 2019, Tạp chí Quản lý nhà nước); Quản lý tài liệu điện tử và việc phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn đầu ở Việt Nam (Nguyễn Ngọc Linh, 2019, Hội nghị khoa học và thực tế quốc tế); Đổi mới văn hóa công sở trong bối cảnh chuyển đổi số (Lưu Kiếm Thanh, Hội thảo quốc tế, 2021); Văn hóa chủ động tham gia cuộc CM 4.0 (Phạm Thị Hồng Thắm, 2021, Tạp chí Quản lý nhà nước); Hiệu quả ban hành và quản lý văn bản trong giai đoạn chuyển đổi số (Lê Ngọc Hồng, 2022, Hội thảo quốc tế); Chuyển đổi số và xây dựng văn hoá thông tin trong các cơ quan, tổ chức nhà nước (Nguyễn Thị Lan Anh, 2022, Tạp chí Quản lý nhà nước); Khung chính sách chính phủ số của OECD và khả năng áp dụng vào thực tiễn Việt Nam (Phạm Huyền Trang, 2022, Hội thảo quốc tế); Quản lý và điều hành tổ chức trên môi trường điện tử trong bối cảnh hiện nay (Nguyễn Thị Hà, 2022, Tạp chí Quản lý nhà nước); Đổi mới phương pháp tham mưu, báo cáo trong bối cảnh chuyển đổi số” (Lê Ngọc Hồng, 2022), Hội thảo quốc tế); Nhận diện và dự báo nguy cơ rủi ro trong công tác văn thư thích ứng chuyển đổi số (Tạ Thị Liễu, 2022, Tạp chí Khoa học Nội vụ); Đổi mới phương thức điều hành của Chính phủ trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Nguyễn Quỳnh Nga, 2020, Tạp chí Tổ chức Nhà nước) Thách thức quản trị dữ liệu trong xây dựng và phát triển Chính phủ số và hàm ý chính sách cho Việt Nam (Phạm Thị Diễm, 2022, Tạp chí Khoa học Nội vụ) và nhiều bài viết khác.
(3) Khoa đã chủ trì tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, như: Đào tạo nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, 2020; Đổi mới chương trình đào tạo nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0, 2021; Chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương – Lý luận và thực tiễn, 2022; Đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần chuyên ngành đáp ứng yêu cầu hội nhập, 2022…
(4) Để thực hiện các chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học và chuyên ngành Văn thư – Lưu trữ, ngành QTVP và chuyên ngành Thư ký văn phòng doanh nghiệp, khoa đã từng bước hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, tập bài giảng của hơn 60 học phần trong chương trình đào tạo đại học (ngành và chuyên ngành) và 23 học phần trong chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Lưu trữ học theo định hướng ứng dụng.
Các nội dung về quản lý văn bản điện tử và lập hồ sơ điện tử, số hóa tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, marketing và dịch vụ sản phẩm lưu trữ, lưu trữ tài liệu nghe nhìn, công bố tài liệu, QTVP hiện đại đã được Khoa xây dựng, bổ sung vào các chương trình đào tạo đại học và sau đại học và được cập nhật trong các chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, có nhiều luận án tiến sỹ, luận văn cao học, khóa luận tốt nghiệp, nghiên cứu khoa học của sinh viên chọn đề tài nghiên cứu về lĩnh vực văn thư, lưu trữ, QTVP ở phạm vi quốc gia, cấp bộ, ngành, địa phương và các cơ quan.
Định hướng nghiên cứu về lĩnh vực văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng trong giai đoạn hiện nay
Để phát huy vai trò là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ, QTVP nói riêng, cũng như để tham gia tư vấn cho Bộ Nội vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn thư, lưu trữ, QTVP, Khoa Lưu trữ học và QTVP xác định tiếp tục phát triển nội dung đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu với các hướng sau:
Thứ nhất, nghiên cứu về các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ, QTVP.
CMCN 4.0 đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực, kỹ năng cần có của đội ngũ này. Đó phải là đội ngũ làm việc theo tư duy đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu cao trong công việc, bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của văn phòng một cách hiệu quả và đóng góp vào việc hoàn thành sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu chiến lược của cơ quan, tổ chức. Từ đó, không thể không quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực văn thư, lưu trữ, QTVP trong bối cảnh mới.
Chiến lược chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra yêu cầu“điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số”. Tại Học viện Hành chính Quốc gia,hệ thống chương trình, giáo trình, tập bài giảng cần tiếp tục được nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, cải tiến, bổ sung thêm những vấn đề lý luận cơ bản về Lưu trữ học, QTVP, xác định lại các khái niệm, thuật ngữ, phạm vi, đối tượng nghiên cứu, phương pháp lưu trữ thông tin, dữ liệu số…
Bên cạnh đó, cần mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu và mối quan hệ của Lưu trữ học, QTVP với các ngành khoa học khác, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Khoa tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và phát triển các học phần về lưu trữ số, dữ liệu số, đồng thời, triển khai nghiên cứu xây dựng mở mã ngành Quản trị số thuộc chương trình đào tạo đại học và thạc sỹ. Việc phát triển chương trình đào tạo sẽ theo hướng ứng dụng cần bổ sung thêm các học phần về công nghệ thông tin, công nghệ số, phần mềm quản lý văn bản điện tử, lưu trữ tài liệu điện tử để có chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số. Bổ sung thời lượng thực hành trong từng học phần để sinh viên được tiếp cận với các mô hình hoạt động nghiệp vụ tài liệu trong các cơ quan, tổ chức thông qua việc kiến tập, thực tập, thực hành học phần… Cùng với việc đổi mới chương trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy của giảng viên cũng sẽ tiếp tục được đổi mới.
Việc đào tạo, bồi dưỡng không thể được thực hiện nếu không sử dụng tích cực công nghệ thông tin và truyền thông trong chính quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Các vấn đề về quản lý văn bản, tài liệu điện tử, văn phòng điện tử với tư cách là một chủ đề nghiên cứu và phương tiện đào tạo cần được xem xét, chú trọng. Các hệ thống này cần được nghiên cứu và sử dụng tích cực trong cơ sở đào tạo như một công cụ học tập. Chuyến đổi số trong các hoạt động giảng dạy, quản lý đào tạo, quản trị nội bộ là một trong những định hướng trọng tâm của Học viện Hành chính Quốc gia và cần được thúc đẩy triển khai toàn diện và sâu rộng trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sinh viên có được các kỹ năng và kỹ năng thực tế khi làm việc với hệ thống quản lý hiện đại trong thời gian học tập tại Học viện để sử dụng trong các hoạt động nghề nghiệp sau này.
Thứ hai, nghiên cứu phục vụ tư vấn hoàn thiện thể chế chính sách và quản lý nghiệp vụ.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030 tập trung vào các nhiệm vụ, như: hoàn thiện thể chế; cải cách chế độ báo cáo, đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống chuyển sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ về chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ và nhiều quyết định, kế hoạch triển khai đã xác định nhiều nội dung liên quan đến hoàn thiện thể chế chính sách và quản lý nghiệp vụ văn thư, lưu trữ điện tử, QTVP hiện đại.
Khoa Lưu trữ học và QTVP, Học viện Hành chính Quốc gia được giao nhiệm vụ tham mưu côngtác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ sẽ tiếp tục có những nghiên cứu dưới các hình thức đề tài khoa học các cấp, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn về các vấn đề: (1) Chính sách, hệ thống văn bản pháp luật về văn thư, lưu trữ, QTVP. (2) Tổ chức bộ máy văn phòng, quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ các cấp để thực hiện chức năng quản lý thống nhất công tác văn thư, lưu trữ và tài liệu lưu trữ. (3) Ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác văn thư, lưu trữ, QTVP; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ trong bối cảnh chuyển đổi số ở cả khu vực công và khu vực tư. Kết quả các nghiên cứu này sẽ là cơ sở để đề xuất, tham mưu cho Bộ Nội vụ nghiên cứu vận dụng trong xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Bên cạnh việc tham mưu cho Bộ Nội vụ thì Khoa Lưu trữ học và QTVP tiếp tục mở rộng các hoạt động tư vấn, hướng dẫn về nghiệp vụ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu cũng như thực hiện các hoạt động nghiệp vụ văn thư, lưu trữ, QTVP hiện đại cho các cơ quan nhà nước ở tất cả cấp chính quyền cũng như cấp độ cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
2. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ).
3. Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 của Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ về chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ.
4. Vũ Thị Phụng. Nghiên cứu, đào tạo Lưu trữ học ở Việt Nam – Lịch sử, định hướng và phát triển. NXB Đại học Quốc gia, 2021.
5. Гриншкун А.В. Технология дополненной реальности как объект изучения и средство обучения в курсе информатики основной школы: дис. канд. пед. наук. М., 2019. С. 17-18.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, TS. Nguyễn Mạnh Cường,
TS. Trần Thị Loan, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương
Học viện Hành chính Quốc gia