(napa.vn) – Sáng ngày 16/3/2019, tại Trụ sở Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng, thực thi pháp luật về vấn đề dân tộc thiểu số, miền núi nước ta” (mã số CTDT.49.18/16-20) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Khung lý thuyết và phương pháp luận của việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp bách trong xây dựng, thực thi pháp luật vùng dân tộc thiểu số, miền núi nước ta”.
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở (Học viện Hành chính Quốc gia), Chủ nhiệm đề tài; TS. Phan Văn Hùng – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; PGS.TS. Lâm Bá Nam – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín, chuyên gia trong lĩnh vực luật học, dân tộc học học và nhân học như: GS.TS. Phạm Hồng Thái – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội); GS.TS. Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam); GS.TS. Nguyễn Minh Đoan – Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Lê Thiên Hương – Nguyên Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật (Học viện Hành chính Quốc gia); PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở (Học viện Hành chính Quốc gia); TS. Ngọ Văn Nhân – Trường Đại học Luật Hà Nội…
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, đây là đề tài mang tính cấp thiết và có giá trị thực tiễn to lớn nhằm nhận diện, phân tích các lý thuyết và quan điểm lý luận, khung lý thuyết, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cần áp dụng khi tiến hành nghiên cứu những vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng, thực thi pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta. Ban Chủ nhiệm hy vọng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ có tác động tích cực đến đời sống dân cư, kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc miền núi, giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng trong xây dựng, thực thi pháp luật vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được một số tham luận có tính lý luận và khoa học cao như: “Những đặc điểm chủ yếu của các cộng đồng dân tộc Việt Nam” (PGS.TS. Lâm Bá Nam), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc thiểu số và sự thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách, pháp luật của Việt Nam về dân tộc thiểu số qua các thời kỳ” (PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà), “Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi và thực thi pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi Việt Nam” (TS. Ngọ Văn Nhân), “Thực thi chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi – Những vấn đề lý luận” (GS.TS. Phạm Hồng Thái), “Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng và thi hành pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam” (PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu), “Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu thực trạng xây dựng và thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi” (GS.TS. Lê Hồng Hạnh). Các tham luận lần lượt được trình bày dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm phân tích, làm rõ thực trạng và nguyên nhân của một số vấn đề. Không ít câu hỏi được đặt ra tại hội thảo đến từ khách mời đã tạo ra bầu không khí làm việc sôi nổi, khách quan và khoa học. Các khách mời đánh giá cao các tham luận trình bày tại Hội thảo, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho Ban Chủ nhiệm đề tài.
PGS.TS. Lâm Bá Nam trình bày tham luận tại Hội thảo
PGS.TS. Lê Thiên Hương trao đổi ý kiến tại Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu trình bày tham luận tại Hội thảo
GS.TS. Lê Hồng Hạnh trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Ngọ Văn Nhân trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng cho biết: mục tiêu của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” là cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
TS. Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo
Nội dung của Chương trình này tập trung vào 5 vấn đề lớn: Một là, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam từ đổi mới (1986) đến nay để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển bền vững. Hai là, đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc từ đổi mới (năm 1986) đến nay. Ba là, nghiên cứu xây dựng các khung chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số đến năm 2030. Bốn là, nghiên cứu đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030. Năm là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc phục vụ công tác hoạch định và thực hiện hiệu quả, lâu dài chính sách dân tộc.
Đề tài “Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong xây dựng, thực thi pháp luật về vấn đề dân tộc thiểu số, miền núi nước ta” do PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu và các đồng nghiệp thực hiện có ý nghĩa và giá trị to lớn trong việc nghiên cứu và cung cấp các luận cứ, góp phần thực hiện thành công Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, thể hiện trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm đề tài và qua đó là trách nhiệm của Học viện Hành chính Quốc gia trong việc tham gia, nghiên cứu những vấn đề lớn, mang tính chiến lược và cấp bách của đất nước./.
Trần Trung