Tham gia chương trình bồi dưỡng do Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức là điều kiện để bổ nhiệm cấp Thứ trưởng và tương đương

(napa.vn) – Đó là ý kiến của các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo khoa học “Định hướng nội dung bồi dưỡng Thứ trưởng và tương đương của Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở” do Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở tổ chức sáng nay (14/6/2019) tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học: TS. Trần Anh Tuấn – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Phan Văn Hùng – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; GS.TS. Phan Trung Lý – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; GS.TS. Trần Ngọc Đường – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Nguyễn Ngọc Hiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Giám đốc Học viện Hành chính; TS. Lê Tiến Hào – Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; TS. Nguyễn Vinh Hiển – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Đinh Duy Hòa – Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; GS.TS. Phạm Hồng Thái – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Quang Thái – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có sự hiện diện của: TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; NGƯT.TS. Vũ Thanh Xuân – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – Nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Hoàng Quang Đạt – Nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Học viện; Nguyên Trưởng Khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức và tại chức; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Đảng ủy viên, Trưởng Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự; TS. Bùi Huy Tùng – Đảng ủy viên, Chánh Văn phòng Học viện kiêm phụ trách, điều hành Ban Quản lý Bồi dưỡng; PGS.TS. Đặng Khắc Ánh – Đảng ủy viên, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Quản lý Nhà nước; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào – Nguyên Phó Trưởng Khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức và tại chức; TS. Nguyễn Minh Sản – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính; TS. Đỗ Thị Kim Tiên – Phó Trưởng Khoa Quản lý Nhà nước về Kinh tế và Tài chính công; TS. Tạ Thị Hương – Phó Trưởng Khoa Quản lý Nhà nước về Xã hội.

Về phía Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở có PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu – Đảng ủy viên, Trưởng Khoa; các Phó Trưởng Khoa: PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà; PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh; TS. Nguyễn Thị Vân Hà; PGS.TS. Lê Thị Hương – Nguyên Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật; các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên chuyên ngành của Khoa.

IMG_5787

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo nằm trong chương trình, nhiệm vụ được Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia giao cho Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở đảm nhiệm. Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng nội dung bồi dưỡng công chức cấp cao cấp Thứ trưởng và tương đương nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước trong những năm tiếp theo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong tình hình mới. Phó Giáo sư, Trưởng Khoa mong muốn các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ đóng góp những ý kiến quý báu để Khoa có căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu đặt ra.

IMG_5791

TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu chỉ đạo, định hướng tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo, định hướng tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan cho biết chương trình bồi dưỡng cấp Thứ trưởng và tương đương được Lãnh đạo Bộ Nội vụ giao cho Học viện Hành chính Quốc gia đảm nhiệm, đây cũng là nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nhận thức được nhiệm vụ hết sức nặng nề này, Học viện đã tập trung mọi nguồn lực để tiến hành xây dựng chương trình bồi dưỡng đáp ứng được mục tiêu đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, Học viện còn một số những băn khoăn, trăn trở rất mong nhận được sự chia sẻ, đóng góp của các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo như phương pháp bồi dưỡng như thế nào cho phù hợp, tránh trùng lắp với chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng và thực hiện? đội ngũ giảng viên giảng dạy chương trình này phải có những tiêu chuẩn, điều kiện nào?

IMG_5821

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Phát biểu, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng chương trình bồi dưỡng cấp Thứ trưởng và tương đương do Học viện Hành chính Quốc gia xây dựng và thực hiện là hết sức cần thiết, thể hiện sứ mệnh của Học viện đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống chính trị. Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, ý tưởng về việc bồi dưỡng cấp Thứ tưởng đã có từ năm 1995, tuy nhiên do nhiều điều kiện khách quan nên đến nay mới chỉ đạo thực hiện và thẩm quyền quy định về chương trình bồi dưỡng này phải là Chính phủ do đối tượng Thứ trưởng và tương đương là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, việc Chính phủ quy định về chương trình, giao Bộ Nội vụ triển khai thực hiện, Học viện Hành chính Quốc gia đảm nhiệm xây dựng chương trình và giảng dạy sẽ làm tăng uy tín của Học viện. TS. Phan Văn Hùng cho rằng đây là vấn đề hết sức cấp bách bởi đội ngũ Thứ trưởng và tương đương hiện nay có trình độ rất phong phú, quá trình công tác đa dạng nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ là hết sức cần thiết; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong quá trình 8 năm đảm đương nhiệm vụ, ông cho biết, năm đầu nhận nhiệm vụ, bản thân ông hết sức lúng túng bởi vị trí Thứ trưởng đòi hỏi nhiều yêu cầu về kiến thức và kỹ năng, thậm chí có những kiến thức, kỹ năng mang tính đặc thù của Bộ, ngành mà Thứ trưởng quản lý.

IMG_5797

TS. Trần Anh Tuấn phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học cũng đặt ra câu hỏi chức vụ nào được gọi là là tương đương (với Thứ tưởng), theo TS. Trần Anh Tuấn, hiện nay nhiều người, nhiều nơi còn nhận thức tương đương với Thứ trưởng căn cứ theo hệ số phụ cấp chức vụ nên nhiều đồng chí là cấp phó các cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, một số chức danh lãnh đạo các tỉnh, thành hiện hưởng hệ số phụ cấp tương đương Thứ trưởng. PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều nêu ý kiến, đối tượng tương đương với Thứ trưởng ngoài các Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ thì bao gồm các đồng chí Phó Chủ nhiệm các Ủy ban, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các đồng chí Phó trưởng các Ban của Trung ương Đảng; GS. TS. Phạm Hồng Thái và TS. Nguyễn Quang Thái đồng quan điểm Thứ trưởng và tương đương là đối tượng được quy định tại điều 4, Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo đó: “Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công”.

IMG_5846

TS. Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Về đối tượng được bồi dưỡng, các đại biểu thống nhất cao việc các đồng chí hiện đang là Thứ trưởng và tương đương phải tham gia chương trình bồi dưỡng, các đồng chí được quy hoạch vào chức vụ phải tham gia chương trình bồi dưỡng mới được bổ nhiệm, TS. Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ kinh nghiệm bản thân và cho rằng, việc bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm sẽ giúp các Thứ trưởng nắm vững hơn về tổ chức bộ máy, quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, điều này phù hợp với Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.

IMG_5807

TS. Nguyễn Ngọc Hiến phát biểu ý kiến tại Hội Thảo

IMG_5850

GS.TS. Phạm Hồng Thái phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Về chương trình bồi dưỡng, các đại biểu có nhiều ý kiến khác nhau, GS.TS. Phạm Hồng Thái cho rằng, Học viện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của vị trí Thứ trưởng để xây dựng chương trình bồi dưỡng; TS. Nguyễn Ngọc Hiến cho rằng, Học viện nên xây dựng các modul cụ thể trong chương trình bồi dưỡng. TS. Nguyễn Vinh Hiển kiến nghị Học viện nên tiến hành khảo sát nhu cầu của các đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ để có căn cứ xác đáng xây dựng chương trình. GS.TS. Phan Trung Lý đưa ra quan điểm, chương trình bồi dưỡng nên bao gồm hai nội dung: bồi dưỡng theo các chuyên đề và bồi dưỡng theo kỹ năng, các chuyên đề bồi dưỡng được Giáo sư khái quát bằng hai từ Tâm và Tầm, “Tầm” là các kiến thức mang tầm chiến lược như hoạch định chính sách, trách nhiệm chính trị, hành chính, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho cấp dưới, “Tâm” là việc thực hiện đạo đức công vụ; các kỹ năng bao gồm kỹ năng xây dựng và kiểm tra văn bản, kỹ năng tiếp dân và xử lý ý kiến của nhân dân…GS.TS. Trần Ngọc Đường cho rằng, chương trình bồi dưỡng gồm hai phần: các kiến thức chính trị – pháp lý mới xuất phát từ quan điểm của Đảng và các kỹ năng của chính khách như thuyết trình, giải trình đối với lĩnh vực mình phụ trách trước Quốc hội, cử tri và nhân dân. TS. Trần Anh Tuấn nêu quan điểm, trình độ kiến thức (như bằng cấp, chứng chỉ) là điều kiện bắt buộc để Thứ trưởng được bổ nhiệm vào vị trí đó, vì vậy nên chăng Học viện tập trung vào bồi dưỡng các kỹ năng. TS. Phan Văn Hùng chia sẻ, kiến thức mà các Thứ trưởng cần là rất rộng, Học viện nên tập trung vào các kiến thức mang tính cập nhật, còn lại mỗi đồng chí Thứ trưởng cần chủ động tự học tập để bổ sung kiến thức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, lĩnh vực mình quản lý; TS. Phan Văn Hùng nêu kiến nghị, chương trình bồi dưỡng gồm hai phần: khối kiến thức lãnh đạo – điều hành và kỹ năng (kỹ năng giám sát, kỹ năng quan hệ công chúng, lễ tân ngoại giao). TS. Lê Tiến Hào cho rằng các Thứ trưởng cần được bồi dưỡng về kiến thức, kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, các phương pháp quản lý mới, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng hợp tác quốc tế và tham gia quan hệ song phương, đa phương với các đối tác quốc tế. TS. Đinh Duy Hòa chia sẻ, trong quá trình công tác của ông, ông phục vụ 04 Bộ trưởng và 17 Thứ trưởng (trong đó có 11 Thứ trưởng trực tiếp liên quan đến lĩnh vực ông công tác), TS. Đinh Duy Hòa đề xuất, trong chương trình bồi dưỡng nên có nội dung kỹ năng phối hợp công tác giữa các Thứ trưởng trong cùng một Bộ và giữa các Thứ trưởng các Bộ, ngành với nhau.

IMG_5867

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Về đối tượng giảng dạy chương trình bồi dưỡng, TS. Trần Anh Tuấn nêu ý kiến, đối tượng giảng dạy phải là các đồng chí đã và đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý cấp Thứ trưởng trở lên, đối với các đồng chí đang đương chức phải có kinh nghiệm đảm nhiệm chức vụ từ 5 đến 7 năm. GS.TS. Phạm Hồng Thái và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào nêu quan điểm, đối tượng giảng dạy bao gồm các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà khoa học nhằm cung cấp và trang bị thêm các tri thức khoa học mang tính lý luận, đặc biệt là tri thức pháp luật.

Về thời lượng bồi dưỡng, các đại biểu đều thống nhất, vị trí Thứ trưởng rất bận rộn nên Học viện cần nghiên cứu thời lượng bồi dưỡng cho phù hợp để đảm bảo việc tham gia bồi dưỡng và thực hiện nhiệm vụ của các Thứ trưởng được phù hợp. Các đại biểu đề xuất, thời gian bồi dưỡng trong khoảng 30 ngày là phù hợp. Ngoài việc tham gia bồi dưỡng tập trung, Học viện cũng nên áp dụng các phương thức bồi dưỡng linh hoạt như cung cấp tài liệu điện tử, trao đổi trực tuyến…

IMG_5887

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu trân trọng cảm ơn 14 ý kiến (trong đó có 11 ý kiến đi sâu vào nội dung bồi dưỡng) hết sức tâm huyết của các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học. Phó Giáo sư, Trưởng Khoa cho biết, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học và cố gắng tổng hợp một cách khoa học, cô đọng nhất nhằm xây dựng chương trình bồi dưỡng đáp ứng được mục tiêu đề ra. PG.TS. Nguyễn Quốc Sửu cho biết, sau Hội thảo hôm nay, Khoa sẽ báo cáo Lãnh đạo Học viện và dự kiến triển khai việc khảo sát thực tế và tổ chức hai Hội thảo tiếp theo để hoàn thiện việc xây dựng chương trình. Phó Giáo sư, Trưởng Khoa trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe tới các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp trong sáng cùng ngày./.

Một số hình ảnh của Hội thảo:

IMG_5816

GS.TS. Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại Hội thảo

IMG_5833

GS.TS. Trần Ngọc Đường phát biểu ý kiến tại Hội thảo

IMG_5843

TS. Phan Văn Hùng phát biểu ý kiến tại Hội thảo

IMG_5854

TS. Đinh Duy Hòa phát biểu ý kiến tại Hội thảo

IMG_5859

TS. Lê Tiến Hào phát biểu ý kiến tại Hội thảo

IMG_5864

TS. Nguyễn Quang Thái phát biểu ý kiến tại Hội thảo

napa.vn

TS. Hoàng Quang Đạt phát biểu ý kiến tại Hội thảo

IMG_5784

Các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo

Trần Trung

Comments are closed.