(napa.vn) – Sáng ngày 06/02/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Học viện của nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Hoàng, ngành Quản lý công, mã số 9340403, với đề tài “Hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS. Đặng Khắc Ánh và TS. Cao Viết Sinh.
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, Chủ tịch Hội đồng phát biểu.
Hội đồng thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Hoàng.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Hoàng trình bày kết quả nghiên cứu.
Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Hoàng với mục tiêu cấp thiết đó là: Hợp tác công – tư (Public – Private Partnership – PPP) là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay trong cung cấp dịch vụ công. Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp cho PPP với tư cách là “phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”. Nghiên cứu sâu về PPP trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Hà Nội nhằm đánh giá thực trạng, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp tăng cường áp dụng mô hình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh buổi Hội đồng bảo vệ luận án.
Nghiên cứu luận án: Hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tác giả kết luận như sau:
Hợp tác giữa khu vực công với khu vực tư nhân trong phát triển dịch vụ y tế là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay gắn với quá trình cấu trúc lại khu vực công. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công – tư… Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết thu hút đầu tư tư nhân tham gia các dự án PPP để tháo gỡ “nút thắt” về vốn đầu tư, năng động hóa khu vực công, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm. Đây cũng chính là dư địa lớn để phát triển PPP trong lĩnh vực y tế nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, công bằng và minh bạch. Kết quả triển khai PPP trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian qua cho thấy đã giúp thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… Tuy nhiên, cũng nảy sinh những hạn chế bất cập: Năng lực của một số nhà đầu tư không được thẩm định cẩn trọng, gồm cả năng lực tài chính và kỹ thuật, dẫn tới có tình trạng công trình chậm tiến độ, dở dang; định giá tài sản của nhà nước không rõ ràng, minh bạch, nhất là vốn tài sản đất đai mà đối tác tư nhân được khai thác sau khi đầu tư vào một công trình cụ thể; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý các dự án PPP phân định chưa rõ và thiếu cụ thể; cơ chế đấu thầu ít được áp dụng, chủ yếu vẫn là chỉ định thầu; mô hình/hình thức hợp tác PPP thiếu đa dạng, chủ yếu là BT, BOT, BTO, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn và đầu tư chiến lược; công tác kiểm tra, giám sát các dự án PPP chưa được chú trọng; việc kiểm soát vốn đầu tư của Nhà nước chưa chặt chẽ; điều khoản trong hợp đồng PPP chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới tình trạng đối tác lợi dụng kẽ hở để trục lợi (như thay đổi phương án đầu tư, chuyển nguồn vốn, đưa thêm các điều kiện); cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án PPP chưa hấp dẫn; thiếu các định chế trunggian đánh giá khách quan năng lực đối tác tư nhân và nguồn tài sản được vốn hóa của nhà nước khi đóng góp vào các dự án PPP… Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với PPP trong lĩnh vực y tế, Thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên: (i) lựa chọn mô hình PPP phù hợp cho từng lĩnh vực; (ii) đổi mới cơ chế quản lý PPP, chủ yếu là hệ thống chính sách, các công cụ can thiệp và các định chế để tối ưu hóa hiệu quả của các dự án PPP trong lĩnh vực y tế. Trong phạm vi thẩm quyền của Thành phố, cần thẩm định và lựa chọn đúng đối tác đầu tư có năng lực; tăng nguồn vốn đầu tư của Thành phố cho các dự án PPP gắn với kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn này, tránh thất thoát, lãng phí; hoàn thiện hợp đồng và giám sát thực thi hợp đồng, áp dụng các chế tài cần thiết khi xảy ra sai phạm hợp đồng; xây dựng các định chế trung gian, độc lập thẩm định năng lực đối tác và đánh giá chính xác các tài sản của nhà nước được vốn hóa; tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh, đấu thầu đối với các dự án PPP về y tế; rà soát lại các danh mục đã công bố, phân loại danh mục từng lĩnh vực và định hướng áp dụng từng mô hình PPP y tế cụ thể .
Các thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Giám đốc Học viện tặng hoa chúc mừng Nghiên cứu sinh.
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.
Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện, Nghiên cứu sinh Nguyễn Huy Hoàng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích; cảm ơn các thầy cô Học viện Hành chính Quốc gia, các thầy hướng dẫn và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ để Nghiên cứu sinh hoàn thành tốt luận án của mình./.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Phạm Hải Long