Sáng ngày 13/5/2019, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo cấp cao (CHEMI), Bộ Nội vụ, Cộng hòa Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả quản lý công trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện; Ông Jean Martin Jaspers – Giám đốc CHEMI và PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện; TS. Jay Wysocki – Cố vấn nghiên cứu sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ); TS. Moktar Lamari – Giám đốc Trung tâm Phân tích và đánh giá chính sách, Trường Hành chính Quốc gia Québec, Ca-na-đa; Ông Park Nam Gie – Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Bà Marriati Lita – Tham tán Công sứ Đại sứ quán In-đô-nê-xia tại Việt Nam; Bà Laurence Mézin – Trưởng phòng Tư pháp – Luật – Quản trị, Hợp tác Hành chính và Phân quyền, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; TS. Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện; các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài Học viện, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện đã và đang lan tỏa khắp thế giới có đóng góp theo chiều hướng tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển. Để tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức, các quốc gia cần có giải pháp chiến lược, hành động khẩn trương và thu hút sự chủ động vào cuộc của lực lượng khoa học – công nghệ, doanh nghiệp, người dân, và đặc biệt là vai trò của Nhà nước, vai trò của quản lý công.
Trong bối cảnh mới đó, TS. Đặng Xuân Hoan cho rằng quản lý công cần chuyển mạnh từ nhận thức sâu sắc sang tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt, khẩn trương trong CMCN 4.0. Quản lý công cần thực sự là đòn bẩy cho tăng trưởng và phát triển, là điểm tựa để giảm sốc tác động, những thay đổi, là chủ thể xác định tầm nhìn quốc gia. Quản lý công cần phải tạo ra nhận thức chung rằng trong CMCN 4.0, không phải là công nghệ mà chính vốn con người với tư duy sáng tạo mới là yếu tố quyết định sự thành bại của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước.
Đối với Việt Nam, tuy xuất phát điểm thấp nhưng có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn, quản lý công cần phải có câu hỏi trả lời cho định hướng trọng tâm phát triển dựa trên chính nhu cầu và điều kiện thực tiễn của đất nước để hưởng lợi tối đa từ CMCN 4.0 và phát triển bền vững. Để góp phần giải quyết các yêu cầu đó, TS. Đặng Xuân Hoan đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi và làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo, như: ý nghĩa, bản chất và nội dung của CMCN 4.0; tác động của CMCN 4.0 tới quản lý công ở Việt Nam; cơ hội, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với nâng cao hiệu quả quản lý công ở Việt Nam. Đặc biệt, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý công trong bối cảnh của CMCN 4.0…
Với hơn 10 ý kiến phát biểu trao đổi cùng các tham luận được trình bày tại Hội thảo, nhìn chung các đại biểu đều thống nhất rằng, CMCN 4.0 là xu hướng tất yếu mang tính quy luật trong giai đoạn hiện nay và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển và tác động của cuộc cách mạng này. CMCN 4.0 thể hiện sự thay đổi mang tính đột phá trên nhiều phương diện, trong đó rõ nét nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, công nghệ thực tế ảo,… đang ngày càng được tăng cường và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội và tác động trực tiếp đến việc làm và sự ổn định của xã hội. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với quản lý công ở cả phương diện vi mô và vĩ mô, tạo cơ hội để Nhà nước đổi mới căn bản các phương thức quản lý xã hội, song cũng tạo ra những thách thức mới để thích ứng trước những thay đổi của công nghệ sản xuất và đời sống.
Trong bối cảnh đó, để có thể quản lý hiệu quả, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần đổi mới toàn diện cách thức, nội dung, phương pháp, cách tiếp cận trong quản lý, từ đổi mới thể chế, tổ chức, bộ máy, nhân lực đến việc tăng cường ứng dụng chính phủ điện tử trong quản lý công… Đồng thời, việc nâng cao năng lực đội ngũ CBCC cũng được coi là vấn đề then chốt, giữ vai trò quan trọng, quyết định hiệu lực, hiệu quả của quản lý công trong điều kiện CMCN 4.0.
Tuy nhiên, để có thể thích ứng với những thay đổi trong CMCN 4.0, đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực quản lý công cũng phải đáp ứng các yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng, trong đó đặc biệt là: khả năng sáng tạo, sự linh hoạt và thích ứng với sự thay đổi, năng lực làm việc nhóm và làm việc trong môi trường quốc tế, thành thục các kỹ năng xử lý thông tin trong thời đại công nghệ thông tin để có thể đưa ra các quyết định quản lý đúng đắn…
Muốn có được những năng lực, kỹ năng đó, nhân lực quản lý công cần được tạo cơ hội, môi trường, điều kiện làm việc phù hợp, được tạo điều kiện về chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương, có cơ hội học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng tiếp cận công nghệ mới và ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Công cụ, phương tiện làm việc của đội ngũ CBCC cũng cần được hiện đại hóa, phù hợp với CMCN 4.0. Cùng với đó, cần đổi mới về công tác tuyển dụng cũng như các chế độ quản lý nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân và có chính sách sử dụng nhân lực công bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần đổi mới căn bản việc ĐTBD CBCC, trong đó chú trọng: khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, thay đổi tư duy và cách tiếp cận đào tạo; đổi mới nội dung, chương trình và phương thức ĐTBD cũng như cách thức đánh giá hiệu quả ĐTBD để đáp ứng các yêu cầu của CMCN 4.0. Cuộc CMCN 4.0 với đặc trưng là việc ứng dụng khoa học – công nghệ, do đó, công tác ĐTBD cũng cần phải được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng các hình thức ĐTBD mới như: đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, ứng dụng thực tế ảo và các nguồn dữ liệu mở, đáp ứng nhu cầu đa dạng và cá biệt của người học trong thời đại CMCN 4.0.
Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt đoàn chủ tịch Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý, các cán bộ, giảng viên tham dự Hội thảo, đồng thời, khẳng định những nội dung tham luận và những gợi ý, góp ý của các đại biểu là hết sức hữu ích để Học viện tham khảo đưa vào chương trình ĐTBD CBCC tại Học viện Hành chính Quốc gia. Đây cũng là cơ sở để Học viện nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ và Bộ Nội vụ những quyết sách về đổi mới quản trị công và quản lý công. Giám đốc Học viện khẳng định, Hội thảo đã và sẽ góp phần tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia với CHEMI và các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo trong và ngoài nước hiện nay cũng như trong tương lai.
Đoàn Kim Huy